Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Nga tịch thu tài sản của các công ty phương Tây muốn rời đi

Cuộc chiến tại Ukraine và hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thổi bùng làn sóng rời bỏ thị trường Nga của các doanh nghiệp nước ngoài. Để ứng phó với mối đe dọa này, giới chức Nga đã cảnh báo sẽ tịch thu tài sản của các công ty muốn rời đi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu viễn cảnh này trở thành hiện thực?

Apple, McDonald’s, Mercedes-Benz, IKEA, Volkswagen… danh sách các doanh nghiệp tìm đường rời khỏi Nga hiện vẫn đang tiếp tục nối dài.

Nga cân nhắc tịch thu tài sản của các công ty phương Tây muốn rời đi

Apple, McDonald’s, Mercedes-Benz, IKEA, Volkswagen… danh sách các doanh nghiệp tìm đường rời khỏi Nga hiện vẫn đang tiếp tục nối dài.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Yale của Mỹ, khoảng 400 công ty nước ngoài đã giảm hoặc ngừng hoàn toàn các hoạt động kinh doanh tại Nga để phản đối chiến sự tại Ukraine. Động thái này đã khiến nhiều nhà hàng phải đóng cửa, nhiều cửa hàng bán lẻ và cơ sở sản xuất ở Nga phải tạm dừng hoạt động, trong khi những đơn hàng xuất khẩu sang nước này cũng bị trì hoãn.

“Đây là một cuộc chơi hoàn toàn khác”, ông Michael Rochlitz, chuyên gia Nga và giáo sư kinh tế học thể chế tại Đại học Bremen ở Đức so sánh tình hình đang diễn ra với những phản ứng khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Trong một kịch bản khả quan nhất khi các biện pháp trừng phạt chỉ dừng lại ở mức như hiện nay, các hoạt động kinh tế Nga được dự báo sẽ suy giảm từ 10-15% trong năm 2022. Ông Rochlitz nhận định: “Đây là một đòn đánh mạnh hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tổng thống Nga Putin đã dự đoán trước một số biện pháp trừng phạt, nhưng ông ấy có lẽ cũng không lường được quy mô các lệnh trừng phạt lại lớn đến vậy. Và giờ đây, ông ấy đang cố gắng tìm các biện pháp đáp trả”.

Trước sức ép ngày càng gia tăng từ phương Tây, Moscow đã bày tỏ thái độ cứng rắn khi cảnh báo sẽ tịch thu tài sản của nhiều công ty nước ngoài, đang tìm cách rút khỏi nước này. Chính phủ Nga cho biết đang tiến hành các bước để quốc hữu hóa các công ty đại chúng thuộc sở hữu của các cổ đông nước ngoài.

Theo các chuyên gia luật quốc tế, nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài sẽ đối mặt với nguy cơ thiệt hại nặng nề nếu việc tịch thu tài sản thực sự được áp dụng. Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil đang có 4 tỉ đô la tài sản tại Nga, trong khi Citigroup có 10 tỉ đô la.

“Các doanh nghiệp thực sự không thể làm gì nhiều để bảo vệ tài sản của mình khỏi bị tịch thu, cho dù đó là một cửa hàng hay một khu mỏ”, ông Paul Stephan – giáo sư luật tại trường Luật, Đại học Virginia và là chuyên gia về pháp lý thời hậu Xô Viết nhận định.

Văn phòng Công tố Nga cho biết, động thái cứng rắn trên là nhằm bảo vệ những người lao động bị ảnh hưởng bởi việc các doanh nghiệp đóng cửa. Ví dụ như, chỉ riêng chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s của Mỹ đã sử dụng 62.000 nhân viên tại Nga. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo này, các công ty nước ngoài vẫn tiếp tục kế hoạch và cho biết họ sẽ bồi thường cho người lao động Nga.

Ở chiều ngược lại, Washington đã lên tiếng chỉ trích ý định quốc hữu hóa tài sản các công ty phương Tây của Moscow. Trên Twitter cá nhân thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã đưa ra cảnh báo: “Bất kỳ quyết định phi pháp nào của Nga nhắm đến việc thu giữ tài sản của các công ty này cuối cùng sẽ dẫn đến hậu quả kinh tế nặng nề hơn cho Nga”.

Nguy cơ bế tắc trong cuộc chiến pháp lý

Theo Marc Bungenberg, chuyên gia luật đầu tư quốc tế tại Đại học Saarland của Đức, quyết định của Nga có thể khiến nước này bị đưa ra Tòa trọng tài quốc tế. “Phía Nga có thể sẽ nói, họ có những hoàn cảnh cụ thể và việc thu giữ tài sản như vậy là chính đáng”, ông Bungenberg cho biết. “Tuy nhiên, tôi không thấy có căn cứ nào để biện minh cho hành động này. Việc ngừng hoạt động hay rời khỏi một quốc gia là sự lựa chọn tự do của mọi doanh nghiệp”.

Thế nhưng, ngay cả khi Tòa quốc tế ra phán quyết có lợi cho các công ty, buộc Chính phủ Nga phải bồi thường cho họ về những tổn thất và thiệt hại từ việc tịch thu tài sản, câu hỏi được đặt ra là liệu Moscow có chấp nhận trả tiền bồi thường?

“Những gì diễn ra sau đó mới thực sự là khó khăn”, chuyên gia Bungenberg cho biết. Các thủ tục thực thi pháp lý sẽ được bắt đầu, nhưng đây là một quá trình kéo dài, đòi hỏi việc tìm kiếm và thu giữ các tài sản thuộc sở hữu nhà nước của Nga ở nước ngoài.

Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia Tiffany Compres tại Công ty luật FisherBroyles cũng nhận định, các công ty rời khỏi Nga sẽ gặp khó khăn trong việc thu hồi lại tài sản của mình, nếu chúng bị Chính phủ Nga thu giữ. Ngay cả khi các công ty thắng kiện tại các tòa án quốc tế, việc thu hồi lại tài sản sẽ phải mất nhiều năm và không có cách nào để buộc Chính phủ Nga phải bồi thường.

Theo ông Bungenberg, một sự việc tương tự đã xảy ra sau khi Iraq tấn công Kuwait năm 1990. Khi ấy, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thành lập một ủy ban, hoạt động như tòa án trọng tài và sau đó đóng băng tài sản của Iraq. Các khoản bồi thường lấy từ số tài sản này sau đó đã được chi trả trực tiếp cho các đối tượng bị thiệt hại.

Tuy nhiên, với trường hợp của một cường quốc như Nga, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn, bởi không có cơ quan nào có đủ quyền lực để thực thi các phán quyết của tòa án. Giáo sư Lea Brilmayer tại trường Luật Yale dự đoán, Nga sẽ từ chối tham gia vào bất kỳ thủ tục pháp lý nào, và khẳng định quyền miễn trừ đối với các yêu sách bồi thường. Ông nói: “Một khi họ nắm quyền kiểm soát tài sản của các doanh nghiệp, họ sẽ không dễ dàng trao lại chúng”.

Theo bà Brilmayer, một con đường khả thi nhưng khá mong manh, để các công ty có thể lấy lại tài sản bị tịch thu là thông qua các cuộc đàm phán giữa chính phủ các bên. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Nga có thể cũng sẽ đưa ra các yêu cầu buộc phương Tây phải trả lại những tài sản của giới nhà giàu Nga đã bị tịch thu theo khuôn khổ các biện pháp trừng phạt. Những cuộc thương lượng như vậy, được dự báo có thể sẽ kéo dài. “Triển vọng đạt được kết quả trong ngắn hạn là rất khó khăn. Tỷ lệ thu hồi được tài sản trong những tình huống như thế này, thường không cao”.

Những hậu quả lâu dài đối với kinh tế Nga

Về phía Nga, việc tịch thu các tài sản của doanh nghiệp phương Tây cũng không hứa hẹn mang lại những kết quả tích cực. Một câu hỏi được đặt ra là liệu Nga sẽ làm gì với tài sản tịch thu từ các công ty nước ngoài, bao gồm nhiều cửa hàng, trang trại và cơ sở sản xuất?

Theo chuyên gia Rochlitz, các hãng bán lẻ phương Tây như Zara, H&M và IKEA có sự hiện diện mạnh mẽ ở Nga và tuyển dụng nhiều lao động địa phương. Nhưng hầu hết các sản phẩm của họ đều nhập khẩu từ nước ngoài. “Tất cả đều là hàng nhập khẩu. Vì vậy, những cửa hàng này sẽ trống rỗng, và sau đó, dù bạn có nhân viên làm việc nhưng vẫn không có hàng hóa gì để bán. Trong trường hợp này, việc nắm quyền kiểm soát các cửa hàng chẳng có ý nghĩa gì cả”.

Ông Rochlitz cũng phân tích rằng Chính phủ Nga có thể cố gắng hỗ trợ chi trả lương cho những người lao động trong ngắn hạn, nhưng rồi cũng sẽ nhanh chóng phải đối mặt với khó khăn về tài chính, bởi các biện pháp trừng phạt hiện nay đang ngăn cản Nga vay nợ trên thị trường quốc tế.

Vị chuyên gia này cho rằng, bộ phận tài sản duy nhất có thể hoạt động trong ngắn hạn, chính là chuỗi cung ứng thực phẩm. Ví dụ như, các công ty nông nghiệp quốc tế sản xuất sữa và pho mát ở Nga có thể được quốc hữu hóa một cách tương đối dễ dàng, và tiếp tục duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Khó thu giữ hơn cả sẽ là các cơ sở vận hành bởi các nhà sản xuất ô tô nước ngoài như Volkswagen, Toyota và Renault. Các công ty này đã dành nhiều năm để thành lập các cơ sở sản xuất ở Nga, nhưng lại phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động nhập khẩu để cung cấp hầu hết các linh kiện cần thiết cho việc chế tạo xe của mình.

Dĩ nhiên, vẫn có một số lối thoát. Theo ông Rochlitz, trong trường hợp xung đột tại Ukraine kéo dài và các lệnh trừng phạt được duy trì trong nhiều năm, Nga có thể thay đổi định hướng sản xuất, chuyển sang sử dụng các nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Ông nói: “Cuối cùng thì họ có thể sản xuất ô tô với nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc cho thị trường nội địa Nga. Tuy nhiên, những chiếc xe này sẽ không phải để xuất khẩu, bởi vì chúng rất có thể sẽ không có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”.

Cũng theo ông Rochlitz, hậu quả từ chiến sự tại Ukraine đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Nga, nhiều hơn những gì mà chính phủ hoặc người dân Nga có thể nhận thấy. “Nếu tịch thu những công ty này ngay bây giờ, trong tương lai, khi các lệnh trừng phạt kết thúc và chúng ta cố gắng xây dựng lại nền kinh tế, các công ty rõ ràng sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định về việc quay trở lại thị trường Nga”.

“Chúng ta sẽ phải quay ngược 100 năm trở lại năm 1917,” tỉ phú Vladimir Potanin – ông trùm kim loại Nga đã liên tưởng tình hình hiện nay với một biến động chính trị lớn là cuộc cách mạng tháng Mười năm 1917, thời kỳ khủng hoảng kinh tế ở Nga. “Và hậu quả là sự thiếu tin tưởng của các nhà đầu tư toàn cầu vào Nga, đó là điều mà chúng ta sẽ phải cảm nhận trong nhiều thập kỷ”, ông Potanin nhận xét.

Cũng theo vị tỉ phú giàu nhất nước Nga, việc nhiều công ty phương Tây quyết định ngưng hoạt động tại Nga như hiện nay, là “quyết định mang nhiều cảm tính và có thể được coi là kết quả của áp lực từ dư luận nước ngoài”. Vì vậy, ông cho rằng, vẫn có nhiều khả năng, các công ty này sẽ quay trở lại, và do đó, “với cá nhân tôi, tôi sẽ giữ gìn một cơ hội để họ có thể làm điều đó”.

Nguồn: DW, Yahoo News, Reuters

Song Thanh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-gi-se-xay-ra-neu-nga-tich-thu-tai-san-cua-cac-cong-ty-phuong-tay-muon-roi-di/