Chuyên gia Anh giải mã lý do Nga 'sốt sắng' phát triển năng lực hạt nhân
Một báo cáo nghiên cứu của tổ chức ở Anh cho rằng, Nga đang tăng cường phát triển lực lượng quân sự nhất là lực lượng hạt nhân để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Sau khi Chatham House ra báo cáo trên, Trung tâm nghiên cứu an ninh của Viện hàn lâm khoa học Nga ra tuyên bố khẳng định, báo cáo của Chatham House về "ý định xâm lược" của Moscow chỉ là luận điệu tuyên truyền biện minh cho việc tăng chi phí quốc phòng của Anh và là điều kiện để yêu cầu châu Âu hỗ trợ Anh đối phó với Nga.
Không chỉ Anh, một số nước phương Tây khác cũng đang lợi dụng luận điệu này để tạo ra lý do chính đáng trong việc tăng ngân sách quốc phòng và nhận được nhiều tỉ USD hỗ trợ quân sự. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị quân sự của Viện quan hệ quốc tế Moscow, ông Alexei Podberezkin tin rằng, tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng quân sự Nga đã gây “sốc” cho các nước phương Tây, và các nước NATO cũng không mong muốn gì việc Moscow liên tục đạt đột phá trong lĩnh vực quân sự.
Các quốc gia này đã không chấp nhận sự thật rằng Nga đang từng bước bỏ xa NATO, và nếu không có Mỹ “chống lưng”, NATO sẽ không còn ưu thế nào trước Nga. “Họ đã quên các lực lượng vũ trang Nga và năng lực đối phó linh hoạt của chúng tôi. Liên bang Nga đang hiện đại hóa và nâng cấp vũ khí với tốc độ đáng kinh ngạc và đã có khả năng đáp trả hiệu quả theo nhiều cách khác nhau, không chỉ với sự trợ giúp của vũ khí hạt nhân”, ông Alexei Podberezkin nói.
Đặc biệt, tiềm lực hạt nhân của Nga chính là mối quan ngại nghiêm trọng hàng đầu được đề cập trong báo cáo của Chatham House. Theo báo cáo, Quân đội Liên Xô đã triệt để hoàn thành việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột hạt nhân, nhưng vì sự tan rã của Liên Xô, nên đã không có xung đột nào xảy ra. Hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy, Nga đã đi theo con đường của Liên Xô khi sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.
Các nhà phân tích Anh cũng đặt ra câu hỏi: "Nga đã đầu tư quá nhiều kinh phí vào việc phát triển vũ khí hạt nhân, liệu có thực sự Nga chỉ phát triển khả năng phòng thủ để bảo vệ đất nước? Các chuyên gia này đã đưa ra kết luận rằng, nếu Moscow không chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân, thì đã không cần phải phát triển một lực lượng có sức mạnh hủy diệt khủng khiếp như vậy.
Các chuyên gia Anh cũng lưu ý rằng, không chỉ có sức hủy diệt khủng khiếp, các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Nga còn có thể tấn công gần như bất cứ nơi đâu trên hành tinh này. Nga đã thừa hưởng kho tên lửa lớn nhất thế giới từ Liên Xô. Những tên lửa ấy vẫn còn hoạt động đến ngày nay và đang được nâng cấp.
Tại vùng Kaliningrad của Nga, các tên lửa đóng vai trò chống tiếp cận/chống xâm nhập. Còn tại lãnh thổ chính của Nga, chúng là một phần của lực lượng răn đe chiến lược trong khu vực (tên lửa phi hạt nhân) và răn đe toàn cầu (tên lửa hạt nhân). Hiện Nga đang chuyển sang hiện đại hóa kho tên lửa hành trình/đạn đạo của mình và trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất tên lửa, cũng như nắm bắt kỹ thuật chế tạo.
Đáng chú ý nhất là các loại tên lửa cỡ lớn, có tầm bắn xa của Moscow. Chúng có thể vươn tới những quốc gia cách xa Nga hàng nghìn dặm, chẳng hạn như Mỹ. Trong đó, RS-28 Sarmat có lẽ là một trong những tên lửa bay xa nhất của Nga, với tầm bắn từ 10.000 - 18.000 km. Với tầm bắn này, nó có thể đặt toàn bộ thế giới trong tầm ngắm.
Về vấn đề này, Nga đã nhiều lần khẳng định, Moscow sẽ không bao giờ là quốc gia đầu tiên tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân. Hoạt động phát triển lực lượng hạt nhân chỉ nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công của đối phương.
Tổng thống Nga Putin cũng nhấn mạnh, Liên bang Nga chủ trương hòa bình và ổn định quốc tế. "Nga là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi theo đuổi chính sách đối ngoại có trách nhiệm. Chúng tôi đang nỗ lực tăng cường ổn định quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố tiềm năng phòng thủ của đất nước và phát triển và cải thiện lực lượng vũ trang", ông nói.
Ông Putin cho hay: "Kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân của chúng tôi (tôi hy vọng nó sẽ không bao giờ xảy ra) là cái gọi là hành động đáp trả một cuộc tấn công. Chỉ khi hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của chúng tôi phát hiện vụ phóng tên lửa và dự đoán chính xác đường bay và thời điểm đầu đạn rơi vào Nga, chúng tôi mới quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Khi chúng tôi có quyền phản hồi hợp pháp và chúng tôi sẽ đáp trả".