Chuyên gia: Bài viết của Tổng Bí thư thể hiện chiều sâu quan hệ Việt-Trung

Theo Giáo sư Hứa Lợi Bình, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập tới tình đồng chí anh em giữa hai nước Việt-Trung trong lịch sử và truyền thống cách mạng, 'tài nguyên đỏ' gắn kết hai dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14/4/2025. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14/4/2025. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam từ ngày 14-15/4, Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã đăng toàn văn bài viết quan trọng với tiêu đề “” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ được đăng trên ấn phẩm giấy ra hàng ngày của Nhân dân nhật báo, mà còn được đăng tải rộng rãi trên các nền tảng số của tờ báo này, cũng như trang web của nhiều cơ quan truyền thông khác từ trung ương đến địa phương của Trung Quốc. Điều này tạo sự chú ý rộng rãi của dư luận nước này.

Các chuyên gia, học giả Trung Quốc cho rằng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện tính chiến lược và chiều sâu lịch sử của quan hệ Việt-Trung.

Giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng bài viết được đăng tải trang trọng trên Nhân dân nhật báo là một thực tiễn ngoại giao hết sức quan trọng, thể hiện rõ lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam rất coi trọng chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 Giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. (Ảnh: Quang Hưng/TTXVN)

Giáo sư Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. (Ảnh: Quang Hưng/TTXVN)

Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thăm Việt Nam nhiều nhất trong lịch sử, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là người đồng chí chân thành, người bạn lớn thân thiết của Việt Nam. Ông Hứa Lợi Bình cho rằng cách gọi này là sự đánh giá rất cao, rất trọng thị đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong bài viết này, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập đến “hai đầu tiên” trong mối quan hệ đặc biệt Việt-Trung. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Ông Hứa Lợi Bình cho rằng “hai đầu tiên” mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài viết cho thấy tính chiến lược và chiều sâu lịch sử lâu dài của quan hệ Việt-Trung, và đây là điều vô cùng quan trọng.

Theo Giáo sư Hứa Lợi Bình, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập tới tình đồng chí anh em giữa hai nước Việt-Trung trong lịch sử và truyền thống cách mạng, “tài nguyên đỏ” gắn kết hai dân tộc.

Ông nêu rõ: “Chúng ta biết rằng, năm nay cũng là kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm thành lập nước và 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính vào những thời điểm dấu mốc đặc biệt quan trọng này, Việt Nam và Trung Quốc đã đồng hành sát cánh, cùng nhau chiến đấu và ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Tôi cho rằng điều này thể hiện rất rõ trong bài viết."

Bên cạnh đó, chuyên gia Hứa Lợi Bình cũng nhấn mạnh việc Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra triển vọng về quan hệ Việt-Trung trong một kỷ nguyên mới có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xây dựng Cộng đồng Chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc mang tầm chiến lược trong tương lai.

Ông khẳng định Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tăng cường trao đổi chiến lược, củng cố tin cậy lẫn nhau trên phương diện chiến lược; thúc đẩy hợp tác thực chất, bao gồm các hợp tác về đường sắt, cửa khẩu thông minh; đẩy mạnh giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thông qua Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc để tăng cường sự hiểu biết, kết nối và gắn bó giữa nhân dân hai nước và cùng nhau góp phần bảo vệ hòa bình thế giới là những nội dung quan trọng đối với việc xây dựng Cộng đồng Chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc trong tương lai.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các đại biểu chứng kiến Lễ khởi động Cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam-Trung Quốc ngày 15/4/2025. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các đại biểu chứng kiến Lễ khởi động Cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam-Trung Quốc ngày 15/4/2025. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong khi đó, nguyên Trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội, nhà nghiên cứu về Việt Nam Lăng Đức Quyền cho biết đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đăng bài viết quan trọng trên Nhân dân nhật báo. Hơn nữa, theo quan sát trong sự nghiệp gần 60 năm của ông, đây là lần đầu tiên tờ Nhân dân nhật báo đăng một bài viết quan trọng của một nhà lãnh đạo nước ngoài.

Theo ông Lăng Đức Quyền, hai “lần đầu tiên” này đủ để chứng tỏ Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc coi trọng sâu sắc việc không ngừng phát triển quan hệ Trung-Việt, đủ để thể hiện sự tôn trọng, tin cậy và tình hữu nghị sâu sắc đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu.

Nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền chia sẻ ông đã đọc đi đọc lại từng câu trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm. Bài viết mở đầu bằng đoạn: “Là nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thăm Việt Nam nhiều nhất trong lịch sử, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là người đồng chí chân thành, người bạn lớn thân thiết của Việt Nam. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chào mừng và tin tưởng chuyến thăm nhất định sẽ thành công tốt đẹp, góp phần to lớn, quan trọng phát huy mạnh mẽ truyền thống hữu nghị, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ Việt-Trung."

Theo ông Lăng Đức Quyền, có thể thấy Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi trọng việc không ngừng nâng cao quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời chứng tỏ sự tôn trọng, tin tưởng và tình hữu nghị đối với bản thân Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông đúc kết bài viết được chắt lọc kỹ lưỡng và sâu sắc.

Nhà báo Thẩm Thi Vĩ công tác tại Đài truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CGTN) thuộc Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG) chia sẻ điều khiến ông ấn tượng nhất trong bài viết đăng trên Nhân dân nhật báo của Tổng Bí thư Tô Lâm là "mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em."

Nhà báo cho biết bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm gợi ông nhớ lại thời điểm tháng 12/2023, trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, ông đã đến thăm địa chỉ cách mạng mà trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng làm nơi lãnh đạo cuộc cách mạng tại Việt Nam ở thành phố Long Châu trên khu vực biên giới hai nước.

Tại đây, ông đã tìm hiểu về tình hữu nghị mà các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của Trung Quốc và Việt Nam đi trước đã dày công vun đắp. Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và cố Thủ tướng Chu Ân Lai đặc biệt nhấn mạnh rằng “tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc rất sâu sắc” và Việt Nam phải được đặt lên hàng đầu.

Theo nhà báo Thẩm Thi Vĩ, thông qua chuyến thăm này hai bên đã hiểu cụ thể hơn về mối quan hệ “mối tình thắm thiết Việt-Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai nước.

Thứ nhất, lãnh đạo hai nước đã đạt được sự đồng thuận phát huy vai trò của “tài nguyên đỏ” của cách mạng hai nước trong việc kế thừa tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời tận dụng cơ hội tổ chức “Năm giao lưu nhân văn Trung-Việt” trong năm nay để tiến hành các hoạt động giao lưu văn hóa phong phú, đa dạng như Lễ hội cư dân biên giới, giao lưu thanh thiếu niên...

Phía Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ mời thanh niên Việt Nam sang Trung Quốc tham gia “Hành trình du lịch nghiên cứu đỏ” trong ba năm tới, nhằm nâng cao lòng tự hào, sự tin tưởng của thế hệ trẻ hai nước vào con đường xã hội chủ nghĩa mà hai Đảng và nhân dân hai nước đã lựa chọn và vào tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Thứ hai, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc còn thể hiện ở việc hai nước tăng cường hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực, tạo ra các cực tăng trưởng mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-bai-viet-cua-tong-bi-thu-the-hien-chieu-sau-quan-he-viet-trung-post1033138.vnp