Chuyên gia hướng dẫn cách đảm bảo an toàn thực phẩm trong những ngày nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 9/7, khu vực phía Đông Bắc Bộ và phía Tây tỉnh Phú Thọ tiếp tục có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; khu vực Tây Bắc Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trên 35 độ. Ngoài ra, khu vực từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, phía Đông các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa trong ngày hôm nay và ngày mai (10/7) trời nắng nóng với nền nhiệt cao phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Ảnh tư liệu: TTXVN

Kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Ảnh tư liệu: TTXVN

Nhiệt độ cao không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thức phẩm, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể. Theo các chuyên gia y tế, trong điều kiện nóng ẩm, vi khuẩn và vi sinh vật có hại phát triển mạnh. Thực phẩm nếu chế biến không kỹ, bảo quản không đúng cách hoặc để ngoài môi trường quá 2 giờ có thể bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là các món chứa nhiều đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, các chuyên gia lưu ý cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý người dân về những sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh dễ gây ngộ độc như: Để lẫn thực phẩm sống và chín; không bọc kín thực phẩm trước khi cho vào tủ; nhồi nhét tủ lạnh quá đầy hoặc để sai nhiệt độ; để thực phẩm quá lâu trong tủ; không vệ sinh tủ lạnh định kỳ.

Những ngày nắng nóng, người dân nên ăn thực phẩm giàu nước như: Dưa hấu, dưa leo, cam, bưởi, thơm (dứa) để giúp bổ sung nước và vitamin C. Canh rau, súp loãng, nước rau má, nước ép trái cây tươi hỗ trợ giải nhiệt, làm mát cơ thể. Các thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, phở, bún, cơm mềm để tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa. Thịt nạc, cá, đậu phụ giúp cung cấp đạm vừa đủ mà không gây nóng trong người. Các loại rau xanh và các loại đậu, mồng tơi, rau dền, rau muống, rau má có nhiều chất xơ, làm mát gan. Giá đỗ, đậu xanh, đậu đen hỗ trợ giải nhiệt, hỗ trợ thải độc. Sữa chua và thực phẩm lên men giúp tăng cường hệ tiêu hóa, đặc biệt tốt vào mùa hè khi nguy cơ rối loạn tiêu hóa cao hơn.

Cần chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc, mua thực phẩm ở nơi uy tín, có bảo quản lạnh đúng cách. Ưu tiên thực phẩm có bao bì kín, hạn sử dụng rõ ràng. Thực phẩm tươi sống nên để trong ngăn đá hoặc ngăn mát tủ lạnh ngay sau khi mua. Thức ăn đã nấu chín chỉ nên để ngoài nhiệt độ thường không quá 2 giờ. Đồng thời, dùng hộp kín, đậy nắp cẩn thận, tránh ruồi, côn trùng tiếp xúc; sơ chế và nấu nướng hợp vệ sinh; rửa tay sạch trước khi chế biến; dùng dao, thớt riêng cho thực phẩm sống và chín. Nấu chín kỹ, tránh ăn đồ tái sống trong mùa hè.

Khi đi ăn ở ngoài cần lưu ý tránh ăn các món bán rong không đảm bảo vệ sinh; ưu tiên quán ăn có uy tín, sạch sẽ, có bảo quản thực phẩm đúng chuẩn.

BT (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/chuyen-gia-huong-dan-cach-dam-bao-an-toan-thuc-pham-trong-nhung-ngay-nang-nong-20250709181621732.htm