Chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo: Mắc ung thư ở tuổi 80, 90 đừng buông xuôi

Bệnh nhân 90 tuổi nhập viện do đi ngoài khó, phân lẫn máu, bụng chướng. Các bác sĩ Bệnh viện K đã quyết định phẫu thuật cắt đoạn trực tràng có khối u chít hẹp để cứu bệnh nhân, dù đã ở tuổi 'xưa nay hiếm'

Nhiều gia đình có người thân trên 80 tuổi mà phát hiện bệnh ung thư thì thường có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Họ vẫn giữ quan điểm “nhiều tuổi rồi bệnh tiến triển chậm, càng cố đụng chạm dao kéo càng nặng thêm...”.

Với sự tư vấn, giải thích kỹ càng của các bác sĩ, trong những năm gần đây, Bệnh viện K đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật thành công cho những người bệnh ngoài 80, thậm chí hơn 90 tuổi.

Rất vui mừng vì đánh sau giá sau mổ, kết quả của các bệnh nhân này đều khả quan, sức khỏe đã ổn định và sinh hoạt bình thường, tiếp tục được thực hiện phác đồ điều trị.

Từ đó nhiều gia đình khi đưa người bệnh đã lớn tuổi đến bệnh viện để điều trị lại động viên nhau “đừng buông xuôi” mà đặt niềm tin vào các bác sỹ và giờ đây là giây phút hạnh phúc khi ca mổ thành công tốt đẹp, sức khỏe đã ổn định và trở về nhà.

Người bệnh và gia đình đừng buông xuôi...

2 tháng trở lại đây cụ Nguyễn Văn M.quê ở Hà Nam (90 tuổi) có dấu hiệu đi ngoài khó, kèm đại tiện phân lẫn máu, bụng chướng gây khó chịu. Khi đến khám tại bệnh viện K, chẩn đoán trên MRI và nội soi cho thấy có dấu hiệu bán tắc ruột, khối u chít hẹp hết lòng trực tràng. Sau khi hội chẩn, ngay lập tức các bác sỹ đã đưa ra chỉ định bệnh nhân M.cần được tiến hành phẫu thuật cắt đoạn trực tràng vì đã có dấu hiệu biến chứng bán tắc ruột.

Phim chụp khối u

Phim chụp khối u

ThS. BS Đoàn Trọng Tú, Trưởng khoa ngoại Bụng 2 chia sẻ: Đây là trường hợp người bệnh ung thư trực tràng cao giai đoạn T4aN1M0. Mặc dù tuổi đã cao nhưng sau khi đánh giá toàn trạng người bệnh, chúng tôi nhận định có thể phẫu thuật được và cần phải thực hiện sớm bởi cụ M. đã có biến chứng bán tắc ruột, nếu không thực hiện nhanh chóng, chính xác thì sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

Do đó, các bác sĩ đã tư vấn rất kỹ cho người nhà để chuẩn bị tâm lý trước khi phẫu thuật cho cụ M. Với sự quyết tâm của các bác sỹ và sự đồng lòng của người nhà người bệnh, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể phẫu thuật thành công, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân”.

Ths Tú cũng cho biết: “Không phải gia đình nào cũng sẽ đồng ý phẫu thuật, bởi có nhiều vấn đề họ còn lo ngại, băn khoăn, thậm chí là buông xuôi vì người bệnh đã 80, 90 tuổi rồi. Nhưng nếu bệnh nhân đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện thì chúng tôi sẽ cố gắng tư vấn, giải thích kỹ để người nhà đặt niềm tin vào các bác sĩ. Chúng tôi sẽ rất trăn trở nếu gia đình người bệnh từ chối phẫu thuật chỉ vì bệnh nhân tuổi cao, ngại đụng chạm dao kéo, bởi như vậy là mất đi cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh”.

Rất may mắn là gia đình bệnh nhân đã tin tưởng và phối hợp cùng các bác sỹ để động viên tinh thần cho người bệnh trước ca phẫu thuật. Sau khi nhận được sự đồng thuận của gia đình người bệnh, các bác sỹ lại bước vào giai đoạn đầy khó khăn phía trước về phẫu thuật và gây mê.

Các bác sĩ đánh giá vì người bệnh đã 90 tuổi nên quá trình gây mê cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi phẫu thuật có thể có nhiều biến chứng như tim mạch, nguy cơ mất máu .... Nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng, ngày 24/06 ê kip phẫu thuật là các bác sỹ dày dặn kinh nghiệm của khoa Ngoại bụng 2, Trưởng kíp phẫu thuật là ThS.BS Đoàn Trọng Tú, Trưởng khoa đã trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân M, Trưởng kíp gây mê là TS. BS Trần Đức Thọ.

“Ca mổ đã diễn ra thuận lợi, bệnh nhân được cắt đoạn trực tràng nối ngay một thì, không phải đeo hậu môn nhân tạo nên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân chắc chắn sẽ tốt hơn. Sau khi theo dõi được 10 ngày thì bệnh nhân đã ổn định và ra viện” - ThS.BS Đoàn Trọng Tú đánh giá.

Bác sĩ thăm khám lại cho cụ công sau khi phẫu thuật

Bác sĩ thăm khám lại cho cụ công sau khi phẫu thuật

Dù 80, hay 90 tuổi nếu phát hiện ung thư, vẫn nên phối hợp với bác sĩ chuyên sâu để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh

Cũng tại khoa Ngoại bụng 2, cụ bà Phạm Thị L., 90 tuổi quê tại Hà Tĩnh được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn T3N1M0.

Trước khi vào viện cụ L. có triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị nếu không mổ sẽ rất nguy hiểm, suy kiệt sức khỏe vì thiếu dinh dưỡng, do chảy máu dạ dày.

Theo người nhà bệnh nhân, bà bị đau dạ dày thường xuyên, ăn không nhiều nhưng cảm giác luôn đầy tức bụng khó chịu. Nhưng vì tuổi cao, quê ở xa nên cũng không thăm khám thường xuyên. Khi các bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày, gia đình khá lo lắng và cũng băn khoăn không biết có nên phẫu thuật không

“Đánh giá thể trạng của cụ L.tương đối tốt, chúng tôi đã giải thích với gia đình, sau đó thì ekip phẫu thuật đã phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày và vét hạch. Sau mổ bệnh nhân khỏe mạnh và đã được xuất viện” – ThS. Tú chia sẻ.

ThS.BS Đoàn Trọng Tú cũng khuyến cáo: Tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng người bệnh đừng vội từ bỏ. Ngay cả khi phát hiện bệnh ở độ tuổi 80 hay 90 vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh trong điều kiện tốt nhất.

Bệnh nhân sức khỏe ổn định sau phẫu thuật dạ dày dù đã 90 tuổi.

Bệnh nhân sức khỏe ổn định sau phẫu thuật dạ dày dù đã 90 tuổi.

“Nếu trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Với trình độ của các bác sĩ phẫu thuật ung thư cũng như khả năng gây mê hồi sức tốt như hiện nay, Bệnh viện K là một địa chỉ tin cậy cho người bệnh” – ThS.BS Đoàn Trọng Tú nhấn mạnh

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-benh-vien-k-khuyen-cao-mac-ung-thu-o-tuoi-80-90-dung-buong-xuoi-n177003.html