Chuyên gia Bộ Y tế: Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ không thể xảy ra biến đổi gen

Theo các chuyên gia, việc tiêm vắc xin COVID-19 là cách phòng bệnh chủ động giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng khi trẻ không may mắc COVID-19.

Hiện nay vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12 tuổi đến 17 tuổi đang nhận nhiều sự quan tâm, đặc biệt là những tác động của vắc xin lên sức khỏe của trẻ em.

Xung quanh vấn đề này, chiều 29/10, các chuyên gia Bộ Y tế đã có trả lời báo chí xung quanh các vấn đề dự luận đang quan tâm.

Theo đó, TS. Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin cho biết, vắc xin Pfizer và Moderna là hai loại vắc xin đã được cho phép tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Trong giai đoạn tới đây, nếu các nhà sản xuất trên thế giới và Bộ Y tế các nước cũng như Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo và cấp phép sử dụng các loại vắc xin cho trẻ nhỏ hơn 12 tuổi thì Bộ Y tế sẽ xem xét và có hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, sẽ chỉ tiêm chủng cho các em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ là cách phòng bệnh an toàn.

Trước thắc mắc về những tác động mà vắc xin Pfizer, Moderna lên sức khỏe của trẻ em, bà Dương Thị Hồng cho rằng: “Vắc xin Pfizer, Moderna là vắc xin chứa mRNA. Thành phần mRNA của vi rút SARS- CoV-2 hoàn toàn không có tương tác với ADN của người.

Cho nên hoàn toàn không có nguy cơ gây ra biến đổi gen, nên không ảnh hưởng lâu dài, không gây ra bệnh ung thư hay vô sinh …mà nhiều bậc phụ huynh lo lắng”.

Vị chuyên gia này còn chia sẻ thêm, trên thế giới hiện nay đã có 36 quốc gia triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em. Vắc xin được triển khai có vắc xin Pfizer và Moderna mà Việt Nam đang triển khai.

Trong 36 quốc gia tiêm cho trẻ em có 19 nước châu Âu, 6 quốc gia châu Mỹ. Xung quanh nước ta có Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Úc… đang triển khai.

“Hai vắc xin vắc xin Pfizer, Moderna đều được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, Bộ Y tế Việt Nam cho phép nên các bậc phụ huynh yên tâm đi tiêm chủng để phòng ngừa COVID-19 cho trẻ. Phòng bệnh bằng vắc xin là cách phòng bệnh chủ động”.

Giải thích về việc trong 3 ngày đầu sau khi tiêm chủng vắc xin không cho trẻ em chạy nhảy, hoặc hoạt động thể thao quá mức, bà Dương Thị Hồng cho rằng, điều này liên quan đến một phản ứng rất hiếm gặp không mong muốn đó là viêm cơ tim ở trẻ sau tiêm vắc xin.

Ở một số nước triển khai tiêm vắc xin cho trẻ đã báo cáo số liệu viêm cơ tim nhưng rất hiếm gặp. “Trẻ em sau khi tiêm vắc xin Pfizer, Moderna, cùng với việc hoạt động mạnh sẽ tăng áp lực cho tim và biểu hiện cơ tiêm trở nên trầm trọng hơn. Có thống kê chỉ ra đối với trẻ em khi tiêm bị viêm cơ tim xảy ra ở mũi thứ 2 và ở trẻ trai nhiều hơn ở trẻ gái.

Số liệu này đang ghi nhận cũng đang là ban đầu, vì tất cả các quốc gia đang mới triển khai tiêm cho trẻ em” – bà Dương Thị Hồng cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia này, Bộ Y tế đã tiếp cận với các chuyên gia về y khoa đã hướng dẫn điều trị và tới đây sẽ phổ biến cho các bệnh viện có thể xử trí kịp thời.

Phản ứng viêm cơ tim là phản ứng rất ít xảy ra nhưng các cháu cũng sẽ được chăm sóc và xử trí kịp thời.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nếu tiêm vắc xin phòng COVID-19 nếu trẻ em vẫn mắc thì trường học có đóng cửa, theo bà Dương Thị Hồng, trong lịch sử tiêm chủng không một vắc xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%.

Tiêm vắc xin COVID-19 của nước ta hiện đã đạt gần 76 triệu liều. Điều mong muốn của việc tiêm vắc xin là hạn chế được tiến triển bệnh nặng và nguy cơ tử vong đối với những người đã tiêm chủng.

“Việc tiêm chủng vắc xin dù đủ 2 mũi vẫn có nguy cơ nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, trong y tế có hai khái niệm nhiễm COVID-19 và mắc bệnh trầm trọng, hai khái niệm này khác.

Việc tiêm rồi vẫn có nguy cơ nhiễm nhưng tiến triển nặng sẽ giảm đi rất nhiều và nguy cơ tử vong giảm rõ rệt. Tất cả các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay, Tổ chức y tế thế giới và các quốc gia đã đưa ra con số thuyết phục, đối với trẻ em không ngoại lệ” – chuyên gia này nhận định.

Cũng theo bà Dương Thị Hồng, đối với trẻ em, tiêm vắc xin COVID-19 vẫn có nguy cơ lây nhiễm, nếu khi đạt được miễn dịch cộng đồng, khi mục tiêu 90 – 95% cộng đồng tiêm đủ vắc xin thì khi cá thể bị nhiễm nhưng cộng đồng vẫn được bảo vệ.

Mong muốn tới đây, nước ta triển khai tiêm vắc xin đầy đủ, cộng với các mũi tiêm nhắc theo kinh nghiệm của thế giới và các quốc gia thì không chỉ là tiếp tục duy trì việc các cháu đi học và giãn cách xã hội được giảm thiểu ở mức thấp nhất.

Cũng liên quan đến vấn đề nguy cơ bị viêm cơ tim sau tiêm, ông Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉ lệ rất thấp.

“Hiện nay, chưa có thông tin về tử vong. Đây là điều mà chúng ta cần lưu ý. Bộ Y tế cũng đã mời các chuyên gia đầu ngành về tim để tập huấn các dấu hiệu nhận biết sớm. Do đó, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng”.

Còn vấn đề trẻ em tiêm vắc xin bị nhiễm COVID-19 có đóng của trường không, ông Trần Minh Điển cho rằng điều này phụ thuộc vào việc đánh giá nguy cơ bệnh theo các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-bo-y-te-tiem-vac-xin-phong-covid-19-cho-tre-khong-the-xay-ra-bien-doi-gen-post164128.html