Chuyên gia: Cải cách thể chế là con đường để thịnh vượng
GS-TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách.
Tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 khá thử thách
Ngày 10.4, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: "Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới".
Theo GS-TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, bước vào năm 2024, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức.
Tuy vậy, đây cũng là năm khá "sôi động" với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Khu vực kinh tế thực cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 7,09%, vượt mục tiêu 6,0 – 6,5% mà Chính phủ đã đề ra, cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực.
Ngoài ra, năng suất lao động của Việt Nam đã có một số cải thiện (tăng 5,14% trong năm 2024), dù vẫn còn khoảng cách khá xa so với một số quốc gia phát triển hơn trong khu vực.
Cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục quá trình chuyển dịch từ khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản sang công nghiệp và dịch vụ, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo có được bước phục hồi mạnh mẽ, trở thành động lực lớn đóng góp vào mức tăng trưởng cao của nền kinh tế.

Bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Ông Chương cũng cho hay Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa ước đạt tới 786,29 tỉ USD, tương đương khoảng 165% GDP. Trong đó, khu vực FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng.
Đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp nội địa trong nước còn gặp khó khăn, không tạo ra được sự liên kết với khu vực FDI để từ đó tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
"Như vậy, có thể thấy, tăng trưởng ở mức 8% trong năm 2025 và cao hơn trong các năm tiếp theo là mục tiêu đầy thử thách", ông Chương nêu.
PGS-TS Phạm Thế Anh cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% hoặc cao hơn được đặt ra từ đầu năm, và chưa tính đến những diễn biến hiện tại trên thị trường quốc tế đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ đối với tất cả các đối tác thương mại trong đó có Việt Nam.
"Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI hướng ra xuất khẩu. Vì vậy, những chính sách thuế quan hiện nay làm cho hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ trở lên đắt đỏ hơn. Đây là một rào cản rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay", ông Thế Anh nêu.

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo
Theo ông Phạm Thế Anh, chính sách thuế quan của Mỹ còn tạo ra sự bất ổn, phá vỡ những quy tắc, luật chơi trên thị trường quốc tế từ trước đến nay. Điều này tạo ra sự bất ổn, khiến cho dòng vốn FDI có thể chững lại hoặc suy giảm. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế có lẽ cần điều chỉnh. Có thể coi mục tiêu này là để phấn đấu chứ không phải đạt được bằng mọi giá.
Cải cách thể chế là con đường để thịnh vượng
Theo GS-TS Phạm Hồng Chương, để có thể duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng.
Theo đó, hệ thống thể chế có tính bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ và giúp khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế. Mặt khác, hệ thống thể chế cũng cần đảm bảo sự phân phối thành quả kinh tế một cách công bằng, giúp cho các thể chế bao trùm này duy trì và mở rộng.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, cải cách thể chế chính là con đường để Việt Nam hướng tới sự giàu có và thịnh vượng.

Chuyên gia cho rằng cải cách thể chế là con đường Việt Nam tới thịnh vượng
Bày tỏ ấn tượng về công cuộc sắp xếp tinh gọn bộ máy "trăm năm mới có", TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng câu chuyện này "nói vài chục năm nay mà chỉ thực hiện trong vài tháng".
"Lúc này bài toán thoát bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam cần lời giải khác. Cần phải phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước và coi đó là nội tại cơ bản của nền kinh tế Việt Nam…", chuyên gia đề nghị.
Đề cập đến những biến động kinh tế thế giới thời gian qua, điển hình là chính sách thuế của Mỹ, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng khu vực FDI có thể sẽ có sự điều chỉnh địa bàn đầu tư, song doanh nghiệp ở lại chính là khu vực tư nhân, do đó cần đưa khu vực kinh tế tư nhân vào vị trí số 1 trong cải cách thể chế…
TS Vũ Thành Tự Anh cũng nêu rằng, một trong những hạn chế của Việt Nam là chính sách tốt nhưng thực thi lại bị "tắc" mà nguyên nhân được chỉ ra là bộ máy thực thi. Do vậy, nhà nước kiến tạo và thể chế dung hợp chính là nền tảng để tạo ra năng lượng chuyển hóa cơ cấu. Đó là con đường để Việt Nam đi đến thịnh vượng.
GS-TS Tô Trung Thành cũng cho rằng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng giảm thiểu can thiệp hành chính, tăng cường hiệu quả thực thi và đảm bảo sự bình đẳng, minh bạch; cải cách tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, vừa thúc đẩy sự sáng tạo, từ bỏ lối tư duy "không kiểm soát được thì cấm".
"Nhà nước cần đổi mới tư duy quản lý, chuyển từ việc "làm thay" sang vai trò định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, cần tập trung vào hạ tầng, thể chế, an sinh xã hội và khoa học công nghệ để tạo động lực phát triển bền vững", ông Thành nêu.