Chuyên gia: Cần 'cởi trói' để doanh nghiệp phát triển điện tái tạo
Cùng với kiến nghị cởi trói về chính sách, các chuyên gia cũng cho rằng, việc bỏ chống độc quyền về giá điện cũng cần phải được làm rõ.
Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu diễn ra vào thời điểm đầy thách thức đối với các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.
Tại Việt Nam, mặc dù quá trình chuyển dịch năng lượng đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp, song những ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng năng lượng toàn cầu tới Việt Nam là không thể tránh khỏi.
Tại diễn đàn "Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam" chiều 20/9, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường cho biết, cùng với việc phát triển đảm bảo nguồn an ninh năng lượng phát triển bền vững chúng ta cũng cần thay đổi toàn hệ thống.
Ông Hải nhận định, Việt Nam muốn bảo đảm được nguồn an ninh năng lượng để phát triển kinh tế cần phải cởi trói cho các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo. "Cởi trói về chính sách, về giá, khuyến khích được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này", ông Hải nói.Cùng với kiến nghị cởi trói về chính sách, các chuyên gia cũng cho rằng, việc bỏ chống độc quyền về giá điện cũng cần phải được làm rõ.
TS. Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cũng đánh giá Việt Nam là nước có tiềm năng lớn để có thể chuyển đổi sang năng lượng xanh nhờ những lợi thế tự nhiên.
Bên cạnh đó, ông Cơ cho rằng, Việt Nam đã có những dự án điện mặt trời nối lưới hoạt động ở nhiều nơi, chứng tỏ năng lượng mặt trời của Việt Nam đủ để phát điện với mức công suất lớn, sản lượng điện mặt trời ngày một tăng trong tương lai.
Về mục tiêu hướng tới và lộ trình đạt được mức năng lượng xanh đến năm 2030 và 2050, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhìn nhận, tại Việt Nam, Chính phủ đã có những chính sách rất cụ thể và hiệu quả để hỗ trợ phát triển loại hình điện gió và điện mặt trời.
"Ngoài hỗ trợ về cơ chế chính sách, Chính phủ đã có hỗ trợ kinh phí khá cao cho giá bán điện gió, điện mặt trời để các doanh nghiệp có thể hoạt động lâu dài”, ông Cơ nói.
Ngoài ra, một dấu ấn lớn khác của chính sách chuyển đổi sang sử dụng điện từ năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải ròng KNK thể hiện rõ trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.
Nói về Quy hoạch điện VIII, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội kiến nghị Quốc hội cần yêu cầu với Chính phủ báo cáo rõ về lộ trình thực hiện Quy hoạch này.
Cùng với đó, bà An cho rằng việc bỏ chống độc quyền về giá điện cũng cần phải được làm rõ, bao giờ xã hội hóa truyền tải điện, ngoài ra, cần ban hành cơ chế cung cầu. "Chúng ta cố gắng thực hiện Quy hoạch điện VIII vì đây là mong ước của nhiều người dân", bà An nói.