Chuyên gia: Cần sớm quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đồng bộ
Tại tọa đàm ngày 18/8, các chuyên gia đưa ý kiến về quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng nhằm giải quyết tình trạng nhập lậu và tiêu thụ trái phép gần đây.
Ngày 18/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm “Khung khổ pháp lý để quản lý thuốc lá thế hệ mới” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các ban, sở ngành liên quan cùng đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp.
Thuốc lá thế hệ mới nhập lậu không ngừng gia tăng
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cảnh báo tình trạng thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) nhập lậu tràn lan, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe cộng đồng và mang lại khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát TLTHM.
Ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng hiện nay, do hành lang pháp lý và thuế chưa được thiết lập cho thuốc lá thế hệ mới, tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam đều được nhập lậu, và tiêu thụ tràn lan trên thị trường “chợ đen”. Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức cho cơ quan Quản lý thị trường trong việc kiểm soát và xử phạt do không có cơ sở pháp lý rõ ràng.
Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan quản lý thị trường trên toàn quốc xử lý rất nhiều trường hợp thuốc lá điện tử nhập lậu. Theo đó, toàn lực lượng đã kiểm tra 728 vụ, xử lý 589 vụ vi phạm; trong đó, xử lý trên 27.467 bao thuốc lá và tương đương, xử lý trên 4.392 sản phẩm các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 3,1 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 1 vụ cho cơ quan công an xử lý. Ngoài ra, còn rất nhiều các trường hợp tiêu thụ trái phép mà cơ quan quản lý thị trường chưa xử phạt được hết.
Thực trạng nhập lậu hiện nay xuất phát từ nhu cầu không nhỏ của một bộ phận người tiêu dùng trong việc tìm kiếm, chuyển đổi sang thuốc lá thế hệ mới. Khảo sát của Báo Lao động vào tháng 10/2022 ghi nhận số người tham gia khảo sát biết hoặc đã từng tiếp cận sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử lần lượt là 50% và 97%.
Các con số khảo sát này cũng phù hợp với thực tế thị trường “chợ đen" hiện nay. Khoảng 90% các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được tiêu thụ tại Việt Nam là sản phẩm thuốc lá điện tử, lớn hơn rất nhiều so với số ít 10% còn lại là các sản phẩm thuốc lá làm nóng.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là rất lớn và có xu hướng ngày một gia tăng. Nếu các sản phẩm này không được quản lý minh bạch, đồng bộ và đồng thời thì một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng sẽ tiếp tục tìm kiếm và sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng trôi nổi trên thị trường với chất lượng không đảm bảo và gây ra rất nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Cần ban hành một khung pháp lý đồng bộ
Tại tọa đàm, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nhấn mạnh: “Các cơ quan chức năng cần ban hành một khung pháp lý đồng bộ, đồng thời và giải quyết dứt điểm những bất cập hiện nay cho cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng để góp phần đẩy lùi tình trạng nhập lậu như hiện nay, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho cơ quan quản lý thị trường như chúng tôi”.
Cụ thể, ông Dương cho rằng cần bắt tay vào việc đưa cả hai sản phẩm vào một khung pháp lý cùng thời điểm, bao trùm từ quy định tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, các quy định về kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chính sách về thuế, các quy định về ghi nhãn hàng hóa, quảng cáo, khuyến mại...
Thay vì tiếp tục để ngỏ thị trường cho các sản phẩm lậu hoành hành và đẩy người tiêu dùng đến với các sản phẩm kém an toàn, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phải sớm được đưa vào diện quản lý nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân, hỗ trợ các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc thực thi chống thuốc lá lậu, giúp tăng nguồn thu ngân sách từ thuốc lá thế hệ mới.
Đồng quan điểm, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, dưới góc độ pháp lý Việt Nam hiện hành, các sản phẩm TLTHM dù sản xuất từ thuốc lá hay từ các nguyên liệu thay thế khác thì đều là thuốc lá, đều phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (2012).
Đứng trước nhu cầu tăng cao và thực trạng buôn lậu diễn ra như trên, cần có quy định cụ thể, giám sát cẩn thận để đảm bảo rằng các sản phẩm tuân thủ các quy chuẩn chất lượng. Vì vậy, ông Hải cho rằng, Việt Nam nên khảo cứu các kinh nghiệm quốc tế để sớm đưa các sản phẩm TLTHM vào quản lý đồng bộ dưới cùng một khung pháp lý mà không cần bước thí điểm.
Thông qua trao đổi tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều nhận định các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng cần được đưa vào quản lý một cách đồng bộ và cùng một thời điểm. Chính sách quản lý hiệu quả sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ, đảm bảo được lợi ích của không chỉ của cộng đồng mà cả doanh nghiệp.