Chuyên gia cảnh báo thứ 'sát thủ' âm thầm nguy hiểm, khó cứu
Bệnh này là một sát thủ thầm lặng và thường không có triệu chứng, có thể gây tử vong nhanh chóng và tỉ lệ tử vong sau khi mổ hoặc can thiệp cấp cứu ghi nhận lên đến 80%.
Khuyến cáo này được đưa ra tại hội thảo "Cập nhật điều trị bệnh lý động mạch chủ phức tạp bằng các phương pháp can thiệp mới trong nội mạch" do Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức ngày 31-3, với sự tham gia của nhiều bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia, phình động mạch là sự giãn bất thường của động mạch gây ra bởi sự suy yếu của thành động mạch (tăng hơn 50% đường kính so với đoạn bình thường) chủ yếu do các nguyên nhân như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn mô liên kết di truyền hoặc mắc phải (hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers-Danlos).
Phình động mạch có thể xảy ra ở bất kì động mạch nào, phổ biến nhất là phình động mạch chủ bụng và ngực. Bệnh này là một "sát thủ" thầm lặng và thường không có triệu chứng, thường chỉ xuất hiện khi bệnh có những biến chứng như tắc mạch, bóc tách động mạch, vỡ phình mạch,…
Vỡ phình động mạch chủ là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng và tỉ lệ tử vong sau khi mổ hoặc can thiệp cấp cứu ghi nhận lên đến 80%. Vì vậy, bên cạnh điều trị nội khoa các bệnh lý đi kèm: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, nhiễm trùng… khối phình động mạch chủ cần được theo dõi sát và mổ hoặc can thiệp ở thời điểm thích hợp nhằm ngăn ngừa biến chứng vỡ phình nguy hiểm.
Với kỹ thuật can thiệp đặt stent graft, các bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống thông vào mạch máu qua lỗ nhỏ ở vùng bẹn hoặc tay lên tới vị trí khối phình và đặt cố định trong lòng động mạch. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn nên làm giảm tỉ lệ tử vong, các biến chứng thấp hơn so với phẫu thuật mở.
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của y học, phương pháp đặt stent graft ngày càng phổ biến rộng rãi và cho thấy những tính năng ưu việt và hiệu quả trong điều trị bệnh lý phình động mạch chủ. Phương pháp này làm giảm thời gian nằm viện và hồi sức, giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm tình trạng mất máu cho người bệnh.
Từ nhiều năm qua, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã thực hiện điều trị thành công nhiều trường hợp mắc bệnh lý động mạch chủ, bằng cả hai phương pháp phẫu thuật mở và can thiệp nội mạch, trong đó có nhiều ca khó và hiếm gặp như: người bệnh quá lớn tuổi, mắc nhiều bệnh lý nặng đi kèm, bệnh đã tiến triển nặng do phát hiện trễ, người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, giải phẫu khó…