Chuyên gia chỉ các dấu hiệu của căn bệnh chiếm đến 25,8% tổng số các loại ung thư thường gặp ở nữ

Theo các chuyên gia của Bệnh viện K, ung thư vú là một bệnh có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể vẫn không có triệu chứng, tuy nhiên đây là một trong những bệnh ung thư có nhiều phương pháp điều trị nhất...

Ung thư vú chiếm đến 25,8% tổng số các loại ung thư thường gặp ở giới nữ

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, mỗi năm Việt Nam ghi nhận 21.555 ca mắc mới ung thư vú, chiếm 25,8% tổng số các loại ung thư thường gặp ở nữ giới và ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh thông tin nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều... "Vì thế, vai trò của tầm soát sớm ung thư vú rất quan trọng"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi chị em cần chủ động tầm soát sớm ung thư vú.

TS.BS Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Ngoại Vú Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cùng các đồng nghiệp thăm khám lại cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư vú.

TS.BS Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Ngoại Vú Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cùng các đồng nghiệp thăm khám lại cho bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư vú.

Thực tế, ngày càng nhiều chị em quan tâm hơn đến tầm soát căn bệnh ung thư vú. Liên quan đến chủ đề này, tại buổi tư vấn về "Ung thư vú: Phẫu thuật tạo hình và bước tiến mới trong điều trị nội khoa" do Bệnh viện K tổ chức mới đây, PGS Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Ngoại Vú Bệnh viện K cơ sở Tân Triều cho biết thời gian qua đã có một số tín hiệu đáng mừng của căn bệnh ung thư vú, đó là:

Thứ nhất, cách đây hơn 20 năm, 2/3 số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn nhưng hiện tại ngược lại, 2/3 số bệnh nhân đến viện giai đoạn sớm. Đây là sự thay đổi ngoạn mục của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe và tầm soát ung thư vú sớm.

Thứ hai, công nghệ khoa học kỹ thuật phát triển bao phủ các phương pháp sàng lọc giúp bệnh nhân phát hiện sớm hơn, nhiều thuốc mới ra đời, nhiều phương pháp điều trị tiến bộ. Bởi vậy, khi nhận chẩn đoán ung thư vú, chị em không nên hoang mang, lo lắng. Ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90%.

"Hiện nay tiểu ban ung thư vú của Bệnh viện K bao gồm các chuyên khoa phẫu thuật, xạ trị, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh… đã bám sát dòng chảy của thế giới hướng tới mục tiêu ngày càng tăng tỷ lệ bệnh nhân chữa khỏi, chất lượng sống của người mắc ngày càng nâng lên"- BS Quang cho biết thêm.

Nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư vú

Các chuyên gia của Bệnh viện K cho hay, ung thư vú là một trong những bệnh ung thư có nhiều phương pháp điều trị nhất. Các bác sĩ cân nhắc kỹ, có thể phối hợp nhiều phương pháp với nhau điều trị trên một bệnh nhân tùy theo giai đoạn bệnh, đặc điểm sinh học của khối u, tình trạng sức khỏe ... và cả mong muốn của người bệnh. Các phương pháp điều trị ung thư bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch ...

Đối với những tiến bộ mới về nội khoa, TS.BS Lê Thị Yến - Phó trưởng khoa Nội tổng hợp Quán Sứ, Bệnh viện K, cho biết ung thư vú có 3 phân nhóm thụ thể:

Thứ nhất, bệnh nhân thụ thể nội tiết dương tính có các liệu pháp kháng CDK4/6 mang lại hiệu quả điều trị nội tiết cả giai đoạn bổ trợ và tái phát di căn.

Thứ hai, nhóm bệnh có các yếu tố phát triển biểu mô dương tính 3+, điều trị trúng đích giúp bệnh nhân được điều trị tốt hơn.

Thư ba, với thể tam âm, trước đây, bác sĩ phải tìm các biện pháp điều trị cho bệnh nhân thì ngày nay có các điều trị miễn dịch, ức chế PARP cải thiện thời gian sống. Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ miễn dịch của người bệnh để chống lại khối u. Đây là liệu pháp sinh học, giúp khôi phục, tăng cường khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư. Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác nhau. Đối với ung thư vú, bác sĩ sử dụng phương pháp ức chế PD-1 và PD-L1.

Khám tầm soát ung thư vú cho người bệnh tại Bệnh viện K

Khám tầm soát ung thư vú cho người bệnh tại Bệnh viện K

Hiện Bệnh viện K phối hợp với Bộ Y tế đề xuất bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho tầm soát ung thư vú giúp nhiều phụ nữ có cơ hội phát hiện bệnh sớm hơn. Theo TS Lê Hồng Quang, BHYT chi trả hoạt động này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, giảm chi phí điều trị hơn rất nhiều.

Trong thời gian BHYT chưa thanh toán, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ từ 40 tuổi, người có chị em, mẹ mắc ung thư vú nên chủ động đến các cơ sở y tế chuyên khoa tầm soát ung thư vú.

TS Lê Hồng Quang khuyến cáo: Với các chị em phụ nữ, nếu không có yếu tố nguy cơ cao như đột biến BRCA; bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc con của người mang đột biến BRCA, có tiền sử xạ trị vào vùng ngực từ 10 - 30 tuổi... thì nên đến khám tầm soát ở độ tuổi từ 40 trở lên. Tuy nhiên dù ở bất kỳ độ tuổi nào cũng nên tự kiểm tra, quan tâm đến sức khỏe của mình bằng cách tự khám vú tại nhà sau kỳ kinh 03-05 ngày để khi phát hiện bất thường thì đến khám.

Bệnh ung thư vú có những triệu chứng nào?

Theo TS.BS Lê Hồng Quang, ung thư vú là một bệnh lý có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể vẫn không có triệu chứng. Chị em phụ nữ được khuyến cáo nên tự khám vú của mình thường xuyên, để biết được trạng thái bình thường của vú và kịp thời phát hiện những thay đổi tại vú khi nó mới xuất hiện.

Các triệu chứng, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú, bao gồm:

Đau: Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, hoặc đau ở một bên vú, hoặc đau kéo dài.

Thay đổi ở da vú và núm vú: Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở lên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.

Chảy dịch-máu ở đầu vú: Đầu vú tư nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.

Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định có thể đau hoặc không đau.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-chi-cac-dau-hieu-cua-can-benh-chiem-den-258-tong-so-cac-loai-ung-thu-thuong-gap-o-nu-169231022172953523.htm