Chuyên gia chỉ cách gỡ nút thắt để khôi phục kinh tế từ khủng hoảng COVID-19
Khẳng định Việt Nam là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn các nước khác trên thế giới và triển vọng trong ngắn hạn vẫn tích cực, song Ngân hàng Thế giới (WB) lưu ý Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội đang tiềm ẩn do tình hình trong nước và toàn cầu có nhiều bất định...
Thông điệp mới nhất vừa được WB đưa ra ngày hôm nay - 18/11, tại Hội thảo “Các vấn đề đương đại trong Kinh tế, Quản trị và Kinh doanh” - CIEMB 2020 - Hội thảo khoa học quốc tế lớn nhất do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức thường niên và năm nay là năm thứ ba của chuỗi hội thảo này.
Trong phát biểu khai mạc, PGS. TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh, chúng ta đang ở giữa đại dịch COVID-19 và đây thực sự là một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
“Đại dịch đã gây ra những làn sóng chấn động cho nền kinh tế toàn cầu. Người dân lo lắng cho cuộc sống và kế sinh nhai. Nhiều cơ sở kinh doanh đã đóng cửa hoặc chờ khách quay lại. Các chính phủ đang giãn khả năng chi tiêu của mình. Và sự ổn định của hệ thống tài chính bị đe dọa. Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang tìm cách kiểm soát sự lây lan của virus trong khi hạn chế sự suy thoái kinh tế. Như vậy, đại dịch COVID-19 là một trong những chủ đề chính của CIEMB 2020 với các bài phát biểu quan trọng và nhiều tham luận khác…” - PGS. GS Phạm Hồng Chương chia sẻ về chủ đề Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, TS. Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam - đã nhận định Việt Nam là một nền kinh tế có khả năng phục hồi cao hơn các nước khác trên thế giới kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra. Thậm chí chuyên gia này không tiếc lời khi cho rằng “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”.
Tuy nhiên TS. Jacques Morisset lưu ý, về khả năng phục hồi trong nước (khu vực tư nhân và nhà nước) và bên ngoài (xuất khẩu và FDI) khi dịch COVID-19 vẫn là mối đe dọa lớn. “Nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng không nên cho rằng người dân và doanh nghiệp không bị ảnh hưởng…” - Đại diện WB tại Việt Nam lưu ý.
Một loạt khó khăn được TS. Jacques Morisset đưa ra, đó là: Cú sốc giữa các ngành kinh tế là không giống nhau: Việc làm trở nên mong manh; 2,5 triệu người đang gặp khó khăn; 1/3 số hộ gia đình (khoảng 7 triệu hộ) bị giảm thu nhập; 50% các doanh nghiệp chỉ đủ tiền mặt để hoạt động trong 2 tháng trở lại; 16% các doanh nghiệp đã có nợ khó đòi và 31% dự kiến sẽ phát sinh nợ khó đòi trong vòng 6 tháng tới…
Đánh giá triển vọng trong ngắn hạn của Việt Nam vẫn tích cực, song TS. Jacques Morisset cho rằng Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ các rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội đang tiềm ẩn do tình hình trong nước và toàn cầu có nhiều bất định.
Cụ thể, rủi ro về tài khóa là thu ngân sách giảm (- 13% ), chi ngân sách tăng (+8%), thâm hụt tăng (+6 tỷ USD trong 9 tháng; Rủi ro về tài chính là lợi nhuận của các ngân hàng thương mại giảm, nợ xấu tăng cao, tỷ lệ an toàn vốn thấp (chỉ có 18 trong số 46 ngân hàng tuân thủ Basel II); Rủi ro về xã hội là thêm nhiều người nghèo (2,5% hộ gia đình gần như mất tất cả), bất bình đẳng gia tăng.
Đề giải được các “nút thắt” đó, theo TS. Jacques Morisset, Việt Nam cần có chính sách và quản lý thuế phù hợp, quản lý đầu tư công, quản lý nợ để hiệu quả chi tiêu. Đồng thời giám sát chặt chẽ và minh bạch Luật Phá sản, tăng cường tái cấu trúc ngân hàng. Để giải quyết vấn đề xã hội, Việt Nam cần có chương trình hỗ trợ xã hội có mục tiêu, cùng với chính sách thuế hợp lý...
“Việt Nam là một nền kinh tế sôi động trước cuộc khủng hoảng COVID-19 và vẫn phát triển nhanh hơn các nước khác nhờ việc kiểm soát rất tốt đại dịch. Thách thức tiếp theo sẽ là duy trì và thậm chí nâng cao lợi thế cạnh tranh này bằng cách đảm bảo giảm thiểu rủi ro tài khóa, tài chính và xã hội bằng những chính sách hiệu quả. Đồng thời nắm bắt cơ hội mới về thương mại, kinh tế số và phục hồi xanh...” - Đại diện WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Bất chấp COVID-19, Hội thảo đã nhận được hơn 120 bài tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và giảng viên đến từ Úc, Bỉ, Canada, Trung Quốc, Pháp, Malaysia, Đài Loan, Anh, Mỹ,... Với sự chặt chẽ về mặt khái niệm và phương pháp luận, khoảng 100 tham luận được lựa chọn để trình bày trong 11 phiên song song thuộc các lĩnh vực tài chính kế toán, kinh tế nông nghiệp & môi trường, quản trị kinh doanh, phát triển kinh tế, kinh tế vĩ mô, marketing, kinh tế vi mô, quản lý giáo dục & nguồn nhân lực, kinh doanh quốc tế và những người khác.