Chuyên gia chỉ ra 5 thách thức lớn với xuất khẩu nông sản Việt

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, nông nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất dồi dào, các sản phẩm phong phú, đa dạng, có khả năng cung ứng lớn cho thị trường thế giới với lợi thế cạnh tranh từ 16 FTA phủ khắp các thị trường lớn như CPTPP, EU, ASEAN… Thế nhưng trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối diện với nhiều thách thức lớn.

Tại diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” tổ chức ngày 28/8, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá, các FTA Việt Nam đã ký kết đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan; đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh: BTC

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh: BTC

Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng trong thời gian tới, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn phải đối diện với 5 thách thức lớn: giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm; chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi; yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng; người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát.

Đồng thời, trong bối cảnh giá năng lượng dự báo tăng cao, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm, từ đó đặt ra thách thức đối với việc bảo đảm an ninh lương thực và suy giảm giá trị thặng dư.

Những thách thức trên đòi hỏi Việt Nam cần phải có những chính sách đồng bộ và hiệu quả để đảm bảo sự phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu toàn cầu.

Theo chuyên gia này, cần có các giải pháp về tổ chức sản xuất như: Hoàn thiện và công bố quy hoạch các vùng nuôi trồng hàng nông sản xuất khẩu theo từng nhóm hàng đặc trưng trên từng địa bàn; Khuyến khích các hộ nuôi trồng sản phẩm nông sản đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP…

Bên cạnh đó, khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở chế biến hàng nông sản xuất khẩu đầu tư công nghệ mới vào dây chuyền sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng các thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường xuất khẩu.

Song song với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hệ thống thông tin về thị trường, khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới cho các hộ nuôi trồng, chế biến và các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua hoạt động của các hội, hiệp hội, các phương tiện thông tin đại chúng…

Đặc biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản: Các hiệp hội ngành hàng nông sản nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu tới, nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Có thương hiệu, hàng nông sản của Việt Nam mới có thể tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với doanh nghiệp, chuyên gia này cho rằng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu với vai trò là người điều hành chuỗi cần chủ động tiếp cận và ký kết các bản ghi nhớ về liên kết; sau đó tiến tới ký kết hợp đồng chính thức với các hộ sản xuất trong vùng nguyên liệu đã quy hoạch, theo hướng hợp đồng đảm bảo tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo lập niềm tin cho các hộ nông dân nuôi trồng, khuyến khích họ có trách nhiệm với việc nuôi trồng sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng cần có sự kết nối chặt chẽ với hệ thống thông tin của các thành viên khác trong chuỗi. Sự chia sẻ và kết nối hiệu quả sẽ góp phần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho tất cả các thành viên trong chuỗi, giúp cân đối tốt hơn công tác thu mua, dự trữ và vận chuyển; hướng tới giảm thiểu những dao động về cung cầu trên thị trường; từng bước đáp ứng yêu cầu truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Đối với các bộ ngành cũng cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phù hợp để tăng cường và mở rộng đầu tư, liên kết, chuyển giao công nghệ theo hướng hình thành các cơ sở chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại, qua đó tăng được công suất chế biến, tăng tỷ lệ chế biến sâu, tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường thế giới.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng năm 2024 đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đóng góp vào kết quả chung, nông sản đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; lâm sản đạt 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%; thủy sản đạt 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi đạt 288 triệu USD, tăng 4,8%. Riêng đầu vào sản xuất đạt 1,07 tỷ USD, giảm 4,2%.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-gia-chi-ra-5-thach-thuc-lon-voi-xuat-khau-nong-san-viet.html