Chuyên gia chỉ ra những tín hiệu sáng của nền kinh tế Việt Nam trong tháng 4

TS. Cấn Văn Lực cho rằng sau sự sụt giảm mạnh trong quý đầu năm, nền kinh tế đã có những dấu hiệu lạc quan hơn trong tháng 4.

Chia sẻ tại talkshow "DINSIGHTS tháng 5: Triển Vọng Ngành Ngân Hàng 2023", Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực,Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết số liệu vĩ mô của tháng 4 đã có một chút tia sáng so với quý I.

"Những gì đã giảm rất mạnh vào quý I thì tháng 4 đã giảm ít hơn, những gì chưa phục hồi thì đã nhúc nhích phục hồi", ông nói. Chuyên gia cho hay tháng 4, chứng khoán và bất động sản cũng nhúc nhích phục hồi, đặc biệt là bất động sản (BĐS).

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho ba vấn đề lớn: thị trường vốn, BĐS và đầu tư công. Chỉ trong khoảng một tháng, các nhà điều hành đã đưa ra 5 quyết sách quan trọng.

Thứ nhất là Nghị định 08 cho phép giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với nhà đầu tư, theo chuyên gia mặc dù thời hạn gia hạn ngắn nhưng nó là giải pháp hợp lý trong tình thế cấp bách.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: BizLIVE).

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: BizLIVE).

Thứ hai, Nghị quyết 33 liên quan đến thị trường BĐS trong đó có 3 trụ cột quan trọng: tháo gỡ về pháp lý BĐS, yêu cầu các địa phương vào cuộc quyết liệt; tháo gỡ về vốn bao gồm cả vốn tín dụng và vốn trái phiếu; Nghị định 10 tháo gỡ cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng được phép cấp sổ hồng (với những trường hợp thực hiện đúng pháp luật).

Đáng lưu ý, riêng với phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH) đã triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục xây dựng đề án xây dựng NƠXH. Hai đề án được đề cập tới là đề án xây dựng 1 triệu căn hộ NƠXH, để từ đó địa phương có cơ sở lập kế hoạch phát triển NƠXH một cách vững chắc hơn.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện hai lần cắt giảm lãi suất, đi trước một bước so với các nước về cắt giảm lãi suất trong khi lạm phát cơ bản của Việt Nam thời điểm đó ở mức 5%.

Lý giải về động thái này của NHNN, TS Cấn Văn Lực cho rằng đây là động thái hợp lý và kịp thời bởi vì ba yếu tố: các tín hiệu cho phép chúng ta làm điều đó; thị trường quý I xấu thúc giục chúng ta làm điều đó; chúng ta có dư địa để giảm lãi suất.

Cuối cùng là việc ban hành hai Thông tư quan trọng 02 và 03. Thông tư 02 về cho phép cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ và Thông tư 03 cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu phân phối với một số điều kiện nhất định

"Chúng ta kỳ vọng nhiều hơn vào Thông tư 02, có nhiều nhà đầu tư còn băn khoăn về tính khả thi của thông tư này nhưng theo tôi là khả thi vì nếu không cho phép cơ cấu lại nợ thì sẽ khó khăn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân", ông Lực nhận định.

Nói thêm về vấn đề quản trị rủi ro của các ngân hàng trong những năm gần đây, ông Cấn Văn Lực cho rằng hệ thống ngân hàng đã có nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro cao trong các năm trước. Tỷ lệ bao nợ xấu bình quân hệ thống vào khoảng 125%, do đó các ngân hàng sẽ không phải trích lập dự phòng quá nhiều trong thời gian tới, từ đó tạo bước đệm tích cực cho lợi nhuận.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-gia-chi-ra-nhung-tin-hieu-sang-cua-nen-kinh-te-viet-nam-trong-thang-4.html