Chuyên gia chia sẻ sự nghiệp du lịch đến các bạn trẻ
Đi tìm định hướng phù hợp cho sự nghiệp là điều mà nhiều bạn trẻ đang trăn trở và loay hoay. Những câu hỏi của các bạn sinh viên trên hành trình tìm kiếm sự nghiệp phần nào được giải đáp trong buổi tọa đàm với chủ đề 'Hành trình sự nghiệp' diễn ra vào ngày 13-10, tại thành phố Đà Nẵng.
Tại sự kiện do Trường du lịch, Đại học Duy Tân đồng tổ chức, các diễn giả và khách mời trong lĩnh vực du lịch đã mang đến những câu chuyện của bản thân trong hành trình sự nghiệp của mình.
Diễn giả Nguyễn Thị Uyên Thư, Giám đốc nhân sự tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, chia sẻ hành trình sự nghiệp hạnh phúc đến các bạn sinh viên có mặt tại sự kiện. Bà cho rằng “Để biết mình thật sự phù hợp với công việc nào, các bạn phải làm, phải để bản thân trải nghiệm mới biết đâu là điểm dừng”.
Bà Uyên Thư chia sẻ xuất phát điểm của bản thân không phải là về nhân sự, cũng không phải trong lĩnh vực du lịch. Bà cho phép bản thân trải nghiệm từ ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm rồi điểm dừng hiện tại là ngành du lịch. Khi bắt đầu một việc không thuộc chuyên môn của bản thân, khó khăn đầu tiên bà gặp phải đó là kỹ năng và kinh nghiệm.
Theo bà Uyên Thư, quy tắc 70:20:10 giúp các bạn phát triển năng lực bản thân. Trong đó 10% các bạn học từ giảng đường, giáo trình, 20% các bạn học được từ người hướng dẫn, và 70% còn lại các bạn học được từ trải nghiệm thực tiễn của bản thân. Thái độ, hành động và sự quyết tâm là điều mình cần thể hiện để chinh phục thử thách.
Đồng quan điểm với bà Thư, bà Lê Thanh Thảo, quản lý khách sạn Melía Vinpearl Danang Riverfront, cũng cho rằng để có được vị trí như hiện tại, bản thân bà cũng đã làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau trong khách sạn, từ công việc nhỏ nhất để hiểu được sự vận hành của từng bộ phận nói riêng và của khách sạn nói chung. Từ đó, mới biết được bản thân phù hợp với bộ phận nào và phát triển lên.
Cũng trong buổi tọa đàm, bà Nguyễn Phạm Sơn Châu, Giám đốc nhân sự tại Sheraton Grand Danang Resort, cho biết “Càng làm lâu, bản thân dễ mất đi nhiệt huyết, đam mê và sự học hỏi trong công việc. Có đầu vào thì mới có đầu ra. Thế nên, bản thân cần tự học hỏi mỗi ngày để phát triển và tìm được niềm vui trong công việc”.
Tại sự kiện, các chuyên gia nhận định nhân lực ngành du lịch ở hiện tại được đánh giá thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Trung bình mỗi năm ngành du lịch Việt Nam cần 40.000 – 45.000 lao động, thế nhưng nguồn nhân lực chỉ đủ cung cấp 50% so với nhu cầu. Ngoài ra, năng suất nhân lực ngành du lịch Việt Nam được đánh giá bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản.
Thế nên, tại InterContinental và Sheraton đều lấy con người làm trung tâm để phát triển các chính sách nhân sự, cũng như lập ra các chương trình đào tạo nội bộ để tạo cơ hội cho nhân viên phát triển bản thân và có sự thăng tiến trong sự nghiệp.
Các diễn giả và khách mời cũng đồng tình rằng, ngoại ngữ là điều cần thiết đối với nhân lực ngành du lịch. Nhân lực biết đa ngoại ngữ giúp tăng năng lực cạnh tranh cho bản thân và cho cả ngành du lịch.
Ngoài ra, ông Trịnh Hoài Nguyên, Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng, cho biết thêm ngoài thách thức về nguồn nhân lực và tài chính, ngành du lịch cũng gặp thách thức về chuyển đổi số. Thêm vào đó, chứng chỉ carbon được xem là xu hướng và cũng là thử thách đối với du lịch hiện tại. Thế nên, các bạn trẻ bây giờ ngoài việc trau dồi ngoại ngữ thì việc số hóa bản thân cũng là điều mà các bạn cần hướng đến bây giờ để tăng sức cạnh tranh của bản thân trên hành trình tìm sự nghiệp trong tương lai.