Chuyên gia chia sẻ về ứng dụng AI trong giáo dục và y tế
Ngày 8/1, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) tổ chức hội thảo 'Các hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo)ứng dụng trong giáo dục và y tế'.
Hội thảo "Các hệ thống AI ứng dụng trong giáo dục và y tế" với sự tham gia của những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, giáo dục, y tế hàng đầu từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Hội thảo tập hợp 27 tham luận, trong đó có 9 tham luận được trình bày trực tiếp từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, y tế và giáo dục.
Trong lĩnh vực giáo dục, hội thảo tập trung vào các vấn đề nổi bật như sử dụng AI để cá nhân hóa học tập và nâng cao hiệu quả giảng dạy; tích hợp công nghệ AI vào quản lý trường học và đánh giá học sinh; ứng dụng ChatGPT và các công cụ AI trong soạn giáo án, thiết kế bài giảng.
Tại hội thảo, GS.TS Đỗ Phúc (Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM) có chia sẻ đáng chú ý bàn về ứng dụng AI trong viết bài báo khoa học.
Theo GS.TS Đỗ Phúc, từ khi có AI, số lượng bài báo khoa học tăng mạnh, tạo ra thách thức lớn về trí tuệ và thời gian trong việc xử lý khối lượng hồ sơ đồ sộ hàng năm để xét duyệt chức danh khoa học.
Do đó, ông đã nghiên cứu ứng dụng AI NLP và biểu diễn trực quan để hỗ trợ công tác đọc hồ sơ ứng viên, giảm khó khăn trong công tác thẩm định hồ sơ ứng viên.
GS.TS Đỗ Phúc cho biết ứng dụng AI NLP là kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên được hỗ trợ bởi AI và các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT 3.5 và 4.0.
Ứng dụng này thực hiện các tác vụ như trích xuất từ khóa để hiểu nhanh các chủ đề tài liệu, trích xuất tên tác giả nước ngoài trong các ấn phẩm để hỗ trợ đánh giá việc cộng tác quốc tế, tóm tắt văn bản để tạo điều kiện đọc tài liệu nhanh hơn và phân cụm các văn bản để so sánh sự tương đồng và xác định các bài viết có nội dung trùng lặp,…
Bên cạnh đó, GS.TS Đỗ Phúc sử dụng các công cụ biểu diễn trực quan các kết quả phân tích nhiều hồ sơ ứng viên để thể hiện các kết quả của ứng viên.
Ông cũng đã áp dụng phần mềm này để xử lý thực tế hồ sơ ứng viên từ năm 2024 và đã góp phần rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ ban đầu.
Ở lĩnh vực y tế, các tham luận nêu bật vai trò của AI trong chẩn đoán bệnh, phân tích hình ảnh y học và cá nhân hóa điều trị; ứng dụng AI để cải thiện quy trình chăm sóc bệnh nhân và phát triển dược phẩm; đạo đức AI trong y học: quản lý rủi ro và bảo vệ quyền riêng tư.
Theo đại diện Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, hội thảo "Các hệ thống AI ứng dụng trong giáo dục và y tế" được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi học thuật, chia sẻ kiến thức, thảo luận về các thách thức thực tiễn mà giáo dục và y tế đang đối mặt, đồng thời khai thác tiềm năng của AI để tạo nên các giải pháp đột phá.
Hội thảo được kỳ vọng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên, sinh viên, học viên cao học và khuyến khích tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học để tạo ra các công trình mang giá trị quốc tế.