Sản xuất gạch từ bùn thải công nghiệp
Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (huyện Vĩnh Cửu) vừa công bố sản phẩm gạch bê tông tự chèn (còn gọi gạch con sâu, gạch vỉa hè) phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Đây là cam kết của công ty với sản phẩm sản xuất ra.
Việc tạo ra vật liệu xây dựng từ nguyên liệu chính là bùn thải vừa giải quyết bài toán về môi trường, vừa đem lại hiệu quả kinh tế.
Bùn thải, mật mía, muối, vôi… tạo ra gạch
Sau khi được cơ quan có chức năng thẩm định và cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn, tháng
11-2024, Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 đã công bố hợp quy đối với sản phẩm gạch con sâu. Đây là loại gạch thường dùng cho các công trình công cộng như: lát vỉa hè đường giao thông, lát sân trường, khuôn viên công viên… Theo công bố của công ty, loại gạch con sâu kích thước 240x110x45mm phù hợp QCVN 16:2023/BXD (Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành tháng 6-2023). Việc công bố này là sự cam kết của doanh nghiệp (DN) đối với sản phẩm sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển.
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 Bùi Xuân Hùng chia sẻ, trước khi làm ra gạch bê tông tự chèn được công nhận hợp quy, công ty đã đến nhiều trường đại học cả miền Bắc lẫn miền Nam, thậm chí mời cả chuyên gia hóa học ở các trường, trung tâm nghiên cứu về tận nơi tìm công thức, thực hành sản xuất gạch nhưng chưa thành công, sản làm ra độ kết dính thấp, dễ vỡ.
Tái chế, tái sử dụng chất thải là hoạt động được các cấp, các ngành khuyến khích làm càng nhiều càng tốt nhằm giảm áp lực lên công tác bảo vệ môi trường, tạo ra nguyên vật liệu mới.
Sau gần 4 tháng mày mò với nhiều công thức, ông Hùng đã chế tạo ra loại gạch con sâu có độ cứng ngang bê tông (400-450). Các nguyên liệu để làm gạch là: bùn thải, vôi, muối, mật mía, thạch cao và một số phụ gia phối trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định, rồi đem ủ 8-12 tiếng. Sau đó, nguyên liệu được đưa vào máy ép tạo gạch, đem phơi trong môi trường tự nhiên.
Chia sẻ về lo lắng gạch làm từ bùn thải công nghiệp (có lẫn cả kim loại, hóa chất) có đảm bảo độ an toàn, ông Huỳnh Phước Lộc, Giám đốc Nhà máy của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2, cho biết bí quyết xử lý chất thải nguy hại tồn dư trong bùn thải là vôi, muối, xút dạng lỏng (NaOH). Các nguyên liệu này đem trộn đều để tạo ra phản ứng hóa học khử chất độc hại và tạo độ kết dính cao. Bùn thải trước khi đem làm gạch đã được xử lý bằng cách phơi khô, loại bỏ chất hữu cơ, lọc mịn như cát. Gạch thành phẩm được đem đi kiểm định tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Việc tận dụng chất thải công nghiệp để chế tạo ra gạch con sâu có độ cứng cao, đảm bảo an toàn mang lại lợi ích kép cho DN, môi trường, cộng đồng. Đối với cộng đồng, có nguồn vật liệu mới, vật liệu xanh phục vụ các công trình xây dựng, góp phần cải thiện môi trường, tiết kiệm quỹ đất vì không phải chôn lấp bùn thải công nghiệp, vốn ngày càng gia tăng; đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cho DN xử lý chất thải nhờ bán sản phẩm.
Cần sự ủng hộ của cộng đồng
Thời gian qua, việc phát triển sản phẩm tái chế vẫn gặp nhiều khó khăn do việc đầu tư công sức, giá thành của sản phẩm tái chế không rẻ; người tiêu dùng chưa mặn mà với các sản phẩm tái chế; chính sách hỗ trợ về nguồn lực, thương mại, đầu ra đối với sản phẩm tái chế, tái sử dụng chưa đến được với DN…
Tại Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6-2022 đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước đây. Tăng đáng kể năng lực tái chế của các DN môi trường. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, DN, cộng đồng và người dân tiêu dùng sản phẩm tái chế.
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 cho rằng, gạch tái chế không nung là sản phẩm hữu ích với các công trình xây dựng, với môi trường, công ty rất cần các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng ủng hộ. Khi đó, công ty sẽ cung cấp sản phẩm với mức giá tốt để phục vụ các công trình công cộng tại các địa phương. Đây cũng là điều kiện để DN gia tăng khối lượng chất thải xử lý, bởi mỗi viên gạch tương đương 3kg bùn thải.
Hiện DN còn có gạch, ngói cao su làm từ rác thải nhựa phù hợp với vùng có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra mưa đá, bão. Nhiều sản phẩm nội, ngoại thất được chế biến từ chất thải. Định hướng phát triển của công ty là không ngừng nghiên cứu, sản xuất thêm nhiều sản phẩm từ rác thải tái chế góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, tạo những sản phẩm có lợi ích kinh tế. Sẵn sàng chuyển giao công nghệ tái chế lại cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, tại Đồng Nai có nhiều DN đã và đang thực hiện xanh hóa sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và tạo ra những sản phẩm xanh; tái chế và tái sử dụng chất thải. Trong đó, Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 là điển hình. Hoạt động trong lĩnh vực tái chế, xử lý, vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, DN đã triển khai ứng dụng thành công nhiều giải pháp để biến rác thải thành tài nguyên, bằng chứng là hàng loạt sản phẩm thân thiện với môi trường được DN sản xuất, kinh doanh, trao tặng cộng đồng.