Chuyên gia: Chủ tịch ASEAN là cơ hội lớn để Việt Nam nâng cao vị thế

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc trở thành chủ tịch ASEAN vào năm sau, bao gồm việc nâng cao vị thế trong khu vực và trên quốc tế.

Chuyên gia Kavi Chongkittavorn

Chuyên gia Kavi Chongkittavorn

Trao đổi với phóng viên Dân Trí bên lề Hội nghị bàn tròn "Tầm nhìn ASEAN 2040: Hướng tới Cộng đồng ASEAN Mạnh mẽ hơn" do Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và báo Bangkok Post đồng tổ chức tại thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 6/10, ông Kavi Chongkittavorn, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, cho rằng “Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ vị trí chủ tịch ASEAN sắp tới trong bối cảnh ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài”.

“Trong thời gian đảm nhận chức chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng là một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế quốc tế hơn nữa. Việt Nam có thể trở thành động lực thúc đẩy hòa bình trên phạm vi quốc tế”, ông Chongkittavorn nói.

Theo chuyên gia Chongkittavorn, “một trong những nhiệm vụ của Việt Nam khi trở thành chủ tịch ASEAN vào năm sau là phải tạo ra môi trường thuận lợi cho tất cả các bên đang có tranh chấp trên Biển Đông để cùng nhau đàm phán và tìm ra giải pháp”.

“ASEAN có rất nhiều vấn đề trong nghị trình làm việc và Biển Đông là một trong số các vấn đề đó. Trên cương vị chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong việc đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC)”, ông Chongkittavorn cho biết.

Ông Chongkittavorn nhận định, “Việt Nam cần thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN khi trở thành chủ tịch của khối vào năm tới nhằm đảm bảo rằng ASEAN sẽ có vị thế cao trong mối quan hệ với các nước lớn”.

“ASEAN sẽ phải tiếp tục hòa nhập về kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống thương mại toàn cầu đang bị đe dọa do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Do vậy, ASEAN phải đảm bảo rằng nền kinh tế của khối không bị ảnh hưởng nhiều bởi bối cảnh này”, ông Chongkittavorn cho biết thêm.

Chuyên gia Greg Earl (Ảnh: Bangkok Post)

Chuyên gia Greg Earl (Ảnh: Bangkok Post)

Đồng tình với quan điểm của chuyên gia Chongkittavorn, ông Greg Earl, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Lowy, nhà báo kỳ cựu của các tờ báo lớn như Foreign Affairs, Australian Financial Review và là thành viên của Hội đồng Australia - ASEAN, cũng cho rằng việc giữ chức chủ tịch ASEAN “là cơ hội lớn để Việt Nam nâng cao vị thế trong khu vực”.

Theo ông Earl, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh, mở cửa với thị trường toàn cầu và hệ thống chính trị ổn định. Trong những năm gần đây, Việt Nam tham gia nhiều thỏa thuận thương mại, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11). Điều này mở ra cho Việt Nam những cơ hội khi trở thành chủ tịch ASEAN.

Liên quan tới khó khăn của Việt Nam khi trở thành chủ tịch ASEAN, chuyên gia Earl đã đề cập tới vấn đề Biển Đông.

“Khi trở thành chủ tịch ASEAN, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với thách thức liên quan tới vấn đề Biển Đông, khi các nước trong khu vực có lập trường khác nhau về vấn đề này. Với vai trò chủ tịch, Việt Nam sẽ phải xem xét tới quan điểm khác biệt của các nước ASEAN khác trong vấn đề Biển Đông, và điều này có thể sẽ gây khó khăn cho Việt Nam”, ông Earl nhận định.

Ông Earl cũng lưu ý sự khác nhau trong lập trường của các nước ASEAN với Mỹ, chẳng hạn một số nước trong khu vực muốn gần gũi hơn với Mỹ, trong khi một số nước khác thì không. Do vậy, Việt Nam, trên cương vị chủ tịch ASEAN, cần phải giải quyết vấn đề này cẩn trọng, nếu không đây sẽ là tình thế khó xử đối với Việt Nam.

Chuyên gia Earl cho rằng Việt Nam có thể đưa vấn đề Biển Đông vào vị trí ưu tiên trong chương trình nghị sự của ASEAN khi trở thành chủ tịch vào năm sau. Tuy nhiên, Việt Nam cần cẩn trọng nếu quá tập trung vào vấn đề Biển Đông, vì các nước khác trong khối có thể quan tâm tới các vấn đề khác trong thời gian Việt Nam làm chủ tịch ASEAN.

“Chẳng hạn, nếu Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) (với sự tham gia của 10 nước ASEAN và 6 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand) không thể hoàn tất việc ký kết trong năm nay khi Thái Lan là chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phải gánh trách nhiệm giải quyết trong năm tới. Đối với nhiều nước trong khu vực, vấn đề này quan trọng hơn vấn đề Biển Đông”, chuyên gia Earl cho biết.

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-gia-chu-tich-asean-la-co-hoi-lon-de-viet-nam-nang-cao-vi-the-551863.html