Chuyên gia chứng minh Ukraine không có cơ hội trở lại biên giới 1991
Theo chuyên gia Ukraine, Kiev không có cơ hội đưa biên giới trở lại trạng thái như năm 1991, sau khi tách ra từ Liên Xô và trở thành quốc gia độc lập.
Tờ “Người Bảo vệ” của Anh (The Guardian) có bài viết cho rằng, ngay cả những người thân cận và các quan chức cấp cao của Ukraine coi những tuyên bố của Tổng thống Vladimir Zelensky là không thực tế, hay nói cách khác là không thể trở thành hiện thực.
Theo một chính trị gia giấu tên cho biết, ông Zelensky có nhiều phát ngôn phi thực tế, nhưng điển hình là những tuyên bố về việc “đưa đất nước trở lại biên giới năm 1991”, tức là đường biên giới của Ukraine sau khi đất nước tách ra từ Liên bang Xô viết năm 1991 và trở thành một quốc gia độc lập.
Trong khi đó, các quan chức quân sự cấp cao của Ukraine, những người đang trực tiếp tham chiến hoặc chỉ huy binh sĩ đối đầu với Nga trên chiến trường, cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
The Guardian dẫn lời ông Alexander Bakulin, Chỉ huy lữ đoàn bộ binh cơ giới số 57 của Lực lượng vũ trang Ukraine chỉ ra rằng, Tổng thống Ukraine có những hy vọng viển vông về một chiến thắng hoàn toàn trước Nga, tức là giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới năm 1991.
Điều này có nghĩa là Lực lượng Vũ trang Ukraine phải hoàn thành một nhiệm vụ quá sức với họ là đánh chiếm lại Crimea - bán đảo đã tách ra khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga tháng 3/2014, cùng với 4 vùng lãnh thổ mà Moscow mới tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022 là Lugansk, Donetsk, Zaporozhye và Kherson.
Vì vậy, Đại tá Alexander Bakulin cho rằng, đàm phán với Moscow là cánh cửa tốt nhất với Kiev hiện nay và Ukraine có thể phải đồng ý mất lãnh thổ để chấm dứt xung đột với Nga.
Theo ông Bakulin, chính quyền của ông Zelensky nên nhượng bộ về lãnh thổ theo tấm gương Phần Lan trong cuộc chiến tranh Liên Xô-Phần Lan năm 1939-1940 (nhượng 10% lãnh thổ cho Liên xô, gồm vùng: Kerelia, Salla và Petsamo, trong đó có các hải cảng rất quan trọng là Vyborg và Liinakhamari).
Theo vị sĩ quan cao cấp Ukraine, chính quyền Helsinki đã chấp nhận mất đi một số lãnh thổ để bảo toàn định dạng của một quốc gia, giữ vững sự độc lập và toàn vẹn của những lãnh thổ còn lại của đất nước, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển suốt từ sau Thế chiến Thứ 2 đến nay.
The Guardian còn cho biết, trong thời gian gần đây các chỉ huy cao cấp của Lực lượng vũ trang Ukraine bắt đầu lên tiếng công khai về khả năng kết thúc cuộc xung đột ở tình trạng hiện tại, có nghĩa là việc mất lãnh thổ đối với họ dường như không còn là điều kiện bất khả thi để đạt được hòa bình.
Theo truyền thông Anh, huyền thoại về sự toàn năng của phương Tây đã bị phá tan trên chiến trường Ukraine, nơi các hệ thống vũ khí của Mỹ và châu Âu không thể giúp Lực lượng vũ trang nước này cầm cự được trong cuộc xung đột với Nga chứ đừng nói là đánh bại Quân đội Nga.
Ngay từ đầu, giới tướng lĩnh ở Kiev đã biết rằng, Quân đội Ukraine không thể tự mình đối đầu sòng phẳng với Moscow và phải dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ và các đối tác trong NATO, nhưng theo thời gian, họ cũng đã thất vọng và hiểu rằng, vũ khí phương Tây không phải cây đũa thần vạn năng giúp họ giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga.