Chuyên gia Cuba: Cuộc hội ngộ giữa những người anh em Việt Nam - Cuba

Chuyến thăm Cuba của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không chỉ có ý nghĩa quan trọng từ góc độ chính trị, tạo điều kiện thúc đẩy trao đổi giữa các cơ quan lập pháp của hai nước, mà còn là cơ hội để Cuba và Việt Nam học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực và đạt được những thỏa thuận liên quan trong khuôn khổ chính trị - ngoại giao và kinh tế.

Tiến sĩ Kinh tế học Ruvislei González Saez, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế của Cuba, điều phối viên quốc gia tại Cuba của Hiệp hội Nghiên cứu Mỹ Latinh về Châu Á và Châu Phi. Ảnh: TTXVN phát

Tiến sĩ Kinh tế học Ruvislei González Saez, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế của Cuba, điều phối viên quốc gia tại Cuba của Hiệp hội Nghiên cứu Mỹ Latinh về Châu Á và Châu Phi. Ảnh: TTXVN phát

Đây là nhận định của Tiến sĩ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam, Giám đốc Chương trình Quan hệ Quốc tế tại Cuba, đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại La Habana nhân chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chuyên gia Cuba khẳng định rằng với những tình cảm đặc biệt giữa nhân dân hai nước, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vượt khỏi các nghi thức truyền thống và nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cao nhất tại đảo quốc Caribe. Đối với Cuba, việc tiếp đón một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tại La Habana không chỉ là nghi thức chính trị - ngoại giao, mà còn là cuộc hội ngộ giữa những người anh em sau một thời gian không gặp do cách trở địa lý.

Chuyến thăm Cuba của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là chuyến thăm thứ 4 tới đảo quốc Caribe của một nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp Việt Nam trong thế kỷ 21, sau chuyến thăm của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An năm 2006, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng năm 2010 và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2016. Ngay sau khi hay tin Tổng Tư lệnh Fidel Castro qua đời, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã dẫn đầu một đoàn đại biểu sang Cuba và đây là phái đoàn nước ngoài đầu tiên đến chia buồn với La Habana. Hai quốc gia đã có những cử chỉ, hành động độc đáo đặc trưng cho mối quan hệ đặc biệt và duy nhất trên thế giới này.

Tiến sĩ González Saez nhấn mạnh quan hệ giữa Cuba và Việt Nam có ý nghĩa to lớn không chỉ xét trên phương diện quan hệ quốc tế của hai nước mà còn đối với sự phát triển của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước. Cuba và Việt Nam là hai trong số năm quốc gia trên thế giới có hệ thống chính trị xã hội xã hội chủ nghĩa trước những thách thức to lớn mà hệ thống tư bản chủ nghĩa đặt ra. Đối thoại chặt chẽ, thường xuyên giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước tạo điều kiện cho sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau cũng như trao đổi kinh nghiệm trước những thách thức trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay. Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Việt Nam nhấn mạnh sự tin cậy lẫn nhau do lãnh tụ cách mạng Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp qua thời gian đã tạo điều kiện để hai nước duy trì lập trường chung trên các mặt trận song phương và đa phương, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi lĩnh vực vào những thời điểm khó khăn nhất với niềm tin chắc chắn rằng hai dân tộc sẽ luôn sát cánh bên nhau.

Theo nhà nghiên cứu của Cuba, mặc dù các mối quan hệ chính trị và ngoại giao giữa La Habana và Hà Nội luôn ở cấp độ cao nhất, nhưng hai nước vẫn còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác với những cơ chế mới được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Trong lĩnh vực kinh tế, bất chấp những thách thức phức tạp hiện nay và những tác động tiêu cực do các lệnh bao vây cấm vận chống Cuba, hai nước có nhiều tiềm năng để tăng cường các cơ chế hợp tác và kết nối kinh tế. Tiến sĩ González Saez đánh giá tiềm năng thương mại và đầu tư giữa hai bên là rất lớn.

Học giả Cuba lý giải rằng với sự hiện diện ngày càng tăng ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Việt Nam cần nhiều hiểu biết về khu vực này để thúc đẩy các lợi ích kinh tế. Cuba có thể là cầu nối giúpViệt Nam nhờ các hiệp định kinh tế đa dạng trong khuôn khổ Hiệp hội Mỹ Latinh Hội nhập (ALADI) hay Cộng đồng Caribe (CARICOM). Mặt khác, Việt Nam có thể là cầu nối tuyệt vời cho Cuba gắn kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhờ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam và sự hỗ trợ của nhiều quốc gia khác, Cuba đã trở thành thành viên của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác.

Cuba và Việt Nam cũng có thể thúc đẩy hợp tác trong các ngành hoặc lĩnh vực cụ thể như y tế, công nghệ sinh học, môi trường. Hai nước có thể tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về du lịch, dịch vụ hải quan, hành chính công, hay các vấn đề văn hóa, xã hội, luật pháp, học thuật và kết nghĩa giữa các thành phố. Theo nhà nghiên cứu González Saez, công cuộc Đổi mới góp phần tạo ra bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế - xã hội và kinh nghiệm của Việt Nam về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố mà Cuba cần học hỏi, thu hẹp khoảng cách về văn hóa và địa lý, để có thể hiểu được những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Liên quan đến hợp tác song phương trong đại dịch COVID-19, Tiến sĩ González Saez nhớ lại rằng ngay từ thời điểm đầu tiên chịu tác động của dịch bệnh, Việt Nam và Cuba đã sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong mọi kịch bản. Cuba không phát triển vaccine COVID-19 nội địa để dùng cho cho riêng mình mà còn để chia sẻ với Việt Nam. Việt Nam cũng lập tức giúp đỡ Cuba thông qua việc gửi nhiều khoản đóng góp quan trọng, trong số đó có khoản hỗ trợ cá nhân của những người Việt Nam từng học tập tại Cuba hay chỉ đơn giản là có tình cảm đặc biệt với hòn đảo ở Tây Bán cầu này. Không thể không kể đến những nỗ lực của các cơ quan Đảng, các ban, ngành, cũng như Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba làm cầu nối giữa nhân dân hai nước.

Chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng cả Cuba và Việt Nam đều có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cũng như trong nghiên cứu các phác đồ phòng ngừa và điều trị COVID-19. Từ lâu, Cuba đã vượt qua đại dịch ảnh hưởng đến phần lớn các quốc gia trên thế giới này và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam. Ông cảnh báo đại dịch đã tạm lắng nhưng vẫn tồn tại và đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ liên tục vì nó có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào. Nguy cơ bùng phát các đại dịch mới hoặc các biến thể của những dịch bệnh hiện có vẫn hiện hữu. Với kịch bản này, việc tiếp tục hợp tác và trao đổi cũng như phát triển các dự án chung cụ thể ở một trong hai nước mang tính chiến lược cao. Hợp tác có thể tiếp tục phát triển trong việc trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia của cả hai nước, từ các hội thảo lý thuyết đến hợp tác trong phòng thí nghiệm. Mặt khác, Cuba và Việt Nam có thể phối hợp trong các dự án chung cụ thể, cho phép mở các trung tâm chuyên ngành và không chỉ nghĩ đến lợi ích song phương mà còn có thể đóng góp cho các quốc gia khác, kể cả các nước láng giềng của Việt Nam như Lào hay Campuchia.

Tiến sĩ González Saez khẳng định hệ thống hóa các nghiên cứu phòng ngừa không chỉ giúp ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát mà còn cả sự xuất hiện của các bệnh dịch mới. Cuba có tiềm năng to lớn trong phát triển công nghệ sinh học và sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam.

Mai Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/chuyen-gia-cuba-cuoc-hoi-ngo-giua-nhung-nguoi-anh-em-viet-nam-cuba-20230418082142522.htm