Chuyên gia đánh giá SVB phá sản sẽ không ảnh hưởng lớn tới châu Á

Trong bối cảnh sự sụp đổ ngân hàng SVB gây ra nhiều lo ngại, nhiều ý kiến cho rằng nó sẽ không gây tác động lớn tới châu Á nói chung, trong khi có những ý kiến cho rằng nó là 'lời cảnh báo' với các nền kinh tế chưa tăng lãi suất tại châu lục này.

Châu Á được kỳ vọng sẽ không chịu ảnh hưởng lớn từ sự sụp đổ của SVB. Ảnh: HinduTimes

Châu Á được kỳ vọng sẽ không chịu ảnh hưởng lớn từ sự sụp đổ của SVB. Ảnh: HinduTimes

Khi tỷ lệ lạm phát toàn cầu tăng vọt trong năm 2022, các nền kinh tế lớn của châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản đã đi ngược xu hướng các ngân hàng trung ương toàn cầu khi đưa ra quyết định không tăng lãi suất. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản của mình trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản duy trì lãi suất âm 0,1%.

Tới 13/3 khi các cơ quan quản lý của Mỹ công bố các biện pháp ngăn chặn rủi ro hệ thống gây ra bởi vụ phá sản của ngân hàng SVB, châu Á tiếp tục được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ không chịu ảnh hưởng quá lớn bởi sự việc này,

Theo CNBC trích dẫn nhận định của bà Tina Teng, nhà phân tích thị trường tại CMC Markets, “đối với Trung Quốc và Nhật Bản, sự khác biệt trong chính sách tiền tệ có thể sẽ không gây ra cuộc khủng hoảng tương tự”. Bà cho biết phản ứng của thị trường chứng khoán châu Á – đặc biệt là các ngân hàng tập trung vào quỹ đầu tư mạo hiểm – sẽ phụ thuộc phần lớn vào “cách quản lý rủi ro lãi suất đối với những quốc gia gặp phải vấn đề tương tự”.

Tuy nhiên, đây là lời cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách ở hai nền kinh tế có ảnh hưởng này. Rủi ro tín dụng có thể là vấn đề chính mà các ngân hàng châu Á phải đối mặt sau triển vọng kinh tế ảm đạm và nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút.

Nhà phân tích Tony Sycamore của IG cũng đồng ý với nhận định trên khi cho biết ông không kỳ vọng ảnh hưởng của sự sụp đổ ngân hàng SVB sẽ trở nên sâu sắc hơn tại khu vực châu Á.

Ông cho biết: “Tôi kỳ vọng thị trường sẽ nhanh chóng vượt qua và tập trung vào các vấn đề vĩ mô rộng lớn hơn trong tuần này, bao gồm báo cáo lạm phát vào tối mai và báo cáo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sắp tới”.

Logo SPD Silicon Valley Bank - liên doanh giữa SVB và Shanghai Pudong Bank tại cơ sở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Logo SPD Silicon Valley Bank - liên doanh giữa SVB và Shanghai Pudong Bank tại cơ sở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Tương tự với các chuyên gia trên, cơ quan đánh giá tín dụng Moody’s cũng đưa ra nhận định các ngân hàng châu Á không có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của SVB. Nguyên nhân được đưa ra là do tiền gửi của các ngân hàng này chủ yếu là cho vay thay vì trái phiếu kho bạc.

Chuyên viên tín dụng cấp cao Eugene Tarzimanov tại Moody’s chia sẻ: “Nếu bạn nhìn vào tỷ lệ cho vay trên tiền gửi điển hình ở châu Á, con số rơi vào khoảng 90%. Vì vậy, hầu hết các khoản tiền gửi được đầu tư vào các khoản vay”. Các ngân hàng này có thực hiện các đầu tư vào chứng khoán chính phủ - trái phiếu địa phương, trái phiếu nước ngoài nhưng tỷ lệ này không đáng kể.

Trong khi thị trường chứng khoán tiếp tục biến động, nhà kinh tế trưởng châu Á - Thái Bình Dương của Goldman Sachs Andrew Tilton cũng cho biết triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực khó có thể bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự sụp đổ của SVB.

Trả lời CNBC, ông Tilton cho biết: “Khi vấn đề được các cơ quan quản lý giải quyết tương đối nhanh chóng và không lan sang các công ty ngoài những công ty đã được ghi nhận thì chúng ta ít có khả năng thấy tác động đáng kể đến triển vọng tăng trưởng của châu Á”.

Trong bối cảnh đó, ông đưa ra dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 đạt 5,5%, chủ yếu được thúc đẩy bởi việc mở cửa trở lại và không ảnh hưởng nhiều bởi vụ việc của SVB.

Trên thực tế, có một số công ty trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và startup công nghệ của châu Á có tiếp xúc với SVB nhưng không nhiều công ty thông báo về tổn thất mình phải chịu từ sự phá sản của SVB. Cuối tuần vừa qua, SPD Silicon Valley Bank, một liên doanh giữa Shanghai Pudong Bank và SVB, đã trấn an các nhà đầu tư của mình khi cho biết hoạt động của ngân hàng vẫn “độc lập và ổn định”.

Trong một tuyên bố chính thức trên website của mình, ngân hàng cho biết vẫn luôn “hoạt động ổn định theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, với khuôn khổ quản trị tiêu chuẩn và bảng cân đối kế toán độc lập.”

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chuyen-gia-danh-gia-svb-pha-san-se-khong-anh-huong-lon-toi-chau-a-post18913.html