Chuyên gia đánh giá về làn sóng biểu tình phản đối chính quyền Trump tại Hoa Kỳ
Hàng trăm nghìn người Mỹ xuống đường phản đối chính sách của chính quyền Trump. Liệu đây có phải là khởi đầu cho một giai đoạn chính trị đầy thách thức?

Những người biểu tình ở Mỹ ngày 5/4/2025. Ảnh: TASS
Hoa Kỳ đã chứng kiến làn sóng biểu tình quy mô lớn đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới quan sát quốc tế, theo báo Vedomosti của Nga ngày 7/4.
Hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp 50 bang trong cuối tuần qua, với sự tham gia ước tính khoảng 600.000 người, số liệu từ kênh CNN cho thấy. Các chuyên gia Nga được báo Vedomosti phỏng vấn nhận định rằng, đây có thể là sự khởi đầu cho một chiến lược rộng lớn hơn của đảng Dân chủ nhằm gây khó khăn cho chính quyền đảng Cộng hòa.
Trước khi các cuộc biểu tình diễn ra, những người tổ chức đã công bố ba yêu cầu chính gửi tới Tổng thống Trump. Thứ nhất, họ kêu gọi chấm dứt điều mà họ mô tả là "cuộc thâu tóm quyền lực của các tỷ phú" ám chỉ đến sự ảnh hưởng của giới siêu giàu đối với chính sách của chính quyền.
Thứ hai, họ yêu cầu ngừng cắt giảm ngân sách liên bang cho các chương trình an sinh xã hội và chương trình y tế dành cho người nghèo. Cuối cùng, những người biểu tình bày tỏ sự phản đối đối với các hành động mà họ cho là "tấn công vào các nhóm thiểu số." Ngoài ra, họ cũng phản đối việc sa thải hàng chục nghìn nhân viên liên bang và đóng cửa các cơ quan chính phủ.
Ông Vladimir Vasilyev, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định rằng các cuộc biểu tình hiện tại có thể được xem như một "cuộc chạy thử" cho những cuộc biểu tình lan rộng hơn trong tương lai.
Theo chuyên gia trên, "thời kỳ trăng mật chính trị" của tổng thống mới đắc cử đã kết thúc, và đảng Dân chủ hiện đang nỗ lực huy động các tổ chức xã hội dân sự nhằm làm tê liệt hoạt động của đảng Cộng hòa trong chính phủ. Ông Vasilyev tin rằng, đây là một chiến lược có tính toán của đảng Dân chủ để tạo ra sự bất ổn và phản đối đối với chính quyền Trump.
Ông Vasilyev cũng đưa ra một nhận xét đáng chú ý về việc đình chỉ hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Theo ông, các quỹ của USAID hoạt động như một "quỹ đen không chính thức" của đảng Dân chủ, thông qua đó họ tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên.
Chuyên gia này lưu ý: "Không phải ngẫu nhiên mà đảng Dân chủ đang lợi dụng câu chuyện về sự bế tắc giữa hai cực giàu nghèo, đặc biệt là trong bối cảnh cắt giảm viện trợ y tế cho các bộ phận dễ bị tổn thương nhất".
Một chuyên gia khác, ông Lev Sokolshchik, đến từ Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện châu Âu và Quốc tế thuộc Trường Kinh tế Cao cấp Moskva, dự đoán rằng xung đột chính trị ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục leo thang và thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, ông Sokolshchik không loại trừ khả năng Tổng thống Trump sẽ có những điều chỉnh nhất định trong chính sách của mình nếu các cuộc biểu tình bắt đầu gây ra mối đe dọa thực sự đến quyền lực của ông.
Tuy nhiên, chuyên gia Sokolshchik cũng nhấn mạnh: "Lập trường của tổng thống chủ yếu được định hình bởi niềm tin cá nhân. Ông Trump không có xu hướng thỏa hiệp và quyết tâm định hình lại nhanh chóng và quyết đoán cả chính sách đối ngoại và ở một mức độ nào đó là chính sách đối nội, bất kể sự phản đối".