Chuyên gia đề xuất Nhà nước có trợ cấp các gia đình nuôi con nhỏ
Chuyên gia cảnh báo, mức sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm sâu dưới 'mức thay thế'. Trong 19 năm, từ khi đạt mức sinh thay thế (2005) đến năm 2023, đã có 15 năm mức sinh thấp hơn 'mức thay thế'.
Sự nguy hiểm của tỉ lệ sinh quá thấp ở Việt Nam
Gần đây, những thông tin cảnh báo về xu hướng giảm sinh ở Việt Nam được nhiều nơi nhắc đến. GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội – Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, suốt 45 năm kiên trì và đẩy mạnh kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm sinh vào năm 2005, khi mức sinh giảm xuống xấp xỉ 2,1 con/bà mẹ (mức sinh thay thế) và được duy trì cho đến nay.
Việc sinh đẻ đã chuyển từ hành vi mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi có kế hoạch, văn minh; từ bị động sang chủ động; từ số lượng nhiều, chất lượng thấp sang số lượng ít, chất lượng cao; từ sinh đẻ ít trách nhiệm sang sinh đẻ có trách nhiệm đầy đủ hơn. Đây thực sự là một trong những biến đổi xã hội sâu sắc nhất ở Việt Nam gần 80 năm qua, có tác động sâu rộng, tích cực đến chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, mức sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm sâu dưới "mức thay thế". Trong 19 năm, từ khi đạt mức sinh thay thế (2005) đến năm 2023, đã có 15 năm, mức sinh thấp hơn "mức thay thế". Đặc biệt, toàn bộ khu vực thành thị và Nam Bộ, khoảng 25 năm nay đã đạt và giảm sâu dưới mức thay thế. Năm 2023, bình quân mỗi phụ nữ tính đến hết tuổi sinh đẻ khu vực thành thị chỉ còn 1,7 con; ở nông thôn là 2,07 con/phụ nữ; ở Đông Nam Bộ là 1,47 con; ở đồng bằng sông Cửu Long là 1,54 con.
GS.TS Nguyễn Đình Cử lo lắng, mức sinh sẽ tiếp tục giảm, nếu không có những chính sách mới ứng phó, ngăn chặn xu hướng này. Mức sinh ở một số vùng, một số tỉnh của Việt Nam đã giảm sâu nhưng tính bình quân trên phạm vi cả nước thì vẫn xoay quanh "mức sinh thay thế". Vì vậy, thách thức nghiêm trọng của vấn đề này chưa bộc lộ hết. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm của các nước đã phát triển có văn hóa tương đồng, có thể cảnh báo những thách thức do xu hướng giảm sâu mức sinh gây ra, cả ở tầm vĩ mô và tầm vi mô.
Trước hết, ở tầm vĩ mô, nhiều nước có mức sinh thấp, kéo dài đang gánh chịu hậu quả dân số giảm, thiếu lao động, tỷ lệ người già cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm,...
GS.TS Nguyễn Đình Cử phân tích, ở tầm vi mô, mức sinh quá thấp (1 con), kéo dài sẽ dẫn đến "hội chứng 4-2-1", nghĩa là 4 ông bà nội, ngoại; 2 bố mẹ và 1 đứa con. "Con một" khi còn nhỏ được 6 người chăm sóc (bố mẹ và ông bà nội ngoại); lớn lên lại có trách nhiệm chăm sóc 6 người. Được nhiều người chăm sóc và phải chăm sóc nhiều người đều bất lợi cho sự phát triển của "con một" nói riêng và chất lượng cuộc sống của gia đình nói chung.
Thực tế ở nước ta cũng cho thấy, nhiều bố mẹ một con trở nên "trắng tay", khi con cái bị tai nạn hoặc bệnh tật dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương của nước ta, mức sinh giảm, thấp kéo theo số học sinh tiểu học, trung học cơ sở giảm mạnh dẫn đến phải ghép các trường của hai xã/phường thành một trường mới.
Hỗ trợ các cặp vợ chồng nuôi con nhỏ
GS.TS Nguyễn Đình Cử đề xuất, giải pháp nâng cao mức sinh thay thế là Nhà nước cần hỗ trợ khi gia đình nuôi con nhỏ. Nếu việc sinh con không chỉ mang lại lợi ích cho cặp vợ chồng, cho gia đình mà còn mang lại lợi ích cho xã hội, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, thì đương nhiên, việc nuôi dạy trẻ em không thể chỉ là trách nhiệm của gia đình. Đặc biệt là khi "chi phí nuôi dạy con" ngày càng lớn so với thu nhập của vợ chồng trẻ.
"Vì vậy, nhà nước, gia đình và xã hội cần "chung tay nuôi, dạy trẻ", cần đa dạng hóa các hình thức chia sẻ "chi phí nuôi, dạy con" với các cặp vợ chồng, như: Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng năm; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm nghĩa vụ đóng góp trong cộng đồng khi nuôi con nhỏ; miễn giảm học phí,…", GS.TS Nguyễn Đình Cử đề xuất.
Ngoài ra ông cũng đề xuất cặp vợ chồng nuôi con nhỏ được hưởng chế độ làm việc linh hoạt như giảm giờ làm, đi muộn, về sớm; nghỉ không lương, làm việc tại nhà,… Tại Hàn Quốc, lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ thai sản 90 ngày; lao động nam có vợ sinh con cũng được hưởng chế độ nghỉ phép 10 ngày. Thời gian nghỉ chăm con lên tới 1 năm cho cả lao động nam và nữ. Người lao động có thể chọn thời điểm thích hợp để nghỉ chăm sóc con cho đến trước khi con cái họ lên 8 tuổi.
Song song đó cần có chính sách cho các cặp vợ chồng hỗ trợ sinh sản, chữa trị vô sinh, hiếm muộn. Hằng năm, nước ta có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn (chiếm tỷ lệ khoảng 7,7%). Do vậy, hỗ trợ cả kỹ thuật và tài chính cho việc chữa trị vô sinh, hiếm muộn là nhu cầu lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là giải pháp nâng cao mức sinh.
Các giải pháp khác được đề xuất là đẩy mạnh nghiên cứu, truyền thông về xu hướng giảm sâu mức sinh ở nước ta. Tạo những diễn đàn để người dân, nhất là các bạn trẻ thảo luận về hậu quả trước mắt và lâu dài của kết hôn muộn, sinh đẻ ít đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Đổi mới chính sách, pháp luật liên quan đến mức sinh. Đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi. Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ gia đình.
Ngày nay, đa số phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ tham gia hoạt động kinh tế, xã hội. Khi con nhỏ và nếu phải chăm sóc thêm người cao tuổi, công việc của họ tăng gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, phát triển hệ thống dịch vụ đa dạng hỗ trợ gia đình, đặc biệt là hệ thống nhà trẻ; mở rộng dịch vụ giáo dục sau giờ học chính khóa; nhà dưỡng lão; mua sắm và chế biến thực phẩm,… làm giảm "gánh nặng nội trợ" là hoàn toàn cần thiết để phụ nữ nói riêng và cặp vợ chồng nói chung có thể yên tâm "sinh đủ 2 con".
Chuyên gia đề xuất, ngay từ bây giờ, Việt Nam nên khởi động xây dựng môi trường xã hội thuận lợi cho việc sinh đẻ và nuôi dạy trẻ em. Trong đó, nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, gia đình cùng chia sẻ "chi phí nuôi, dạy con" với cặp vợ chồng trẻ. Tạo điều kiện để các cặp vợ chồng trẻ bình đẳng trong chăm sóc con; phụ nữ hài hòa được giữa công việc và chăm sóc trẻ. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế là mục tiêu đầy thách thức nhưng chỉ có đạt được mục tiêu này, đất nước mới có thể phát triển bền vững.