Chuyên gia: Dịch ngấm sâu, lan rộng ở TP.HCM, xét nghiệm không còn nhiều ý nghĩa
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, việc xét nghiệm diện rộng ở TP.HCM không còn mang nhiều ý nghĩa vì dịch đã ngấm sâu, lây lan rộng.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, mỗi ngày TP.HCM vẫn ghi nhận tới vài nghìn ca COVID-19 là do dịch đã lây lan rất rộng trong cộng đồng. Nếu muốn đánh giá chính xác nguyên nhân thì phải xác định rõ thành phố đang lấy mẫu ở đâu, lấy mẫu một chỗ hay nhiều chỗ, nay lấy nơi này, mai lấy nơi khác và lấy mẫu theo cách nào.
Ông ví dụ, lấy 1 mẫu trong tổng số 1.000 mẫu ở khu công nhân khác với việc lấy 1.000 mẫu cũng trong khu công nhân đó. Giống như việc hôm nay lấy 1.000 mẫu ở quận Bình Tân, hôm sau lại 1.000 mẫu ở quận 7, hôm sau nữa lại quận 1. Do đó, rất khó để so sánh.
Xét nghiệm không còn ý nghĩa
Theo ông Nga, với tình hình dịch như hiện nay tại TP.HCM thì việc xét nghiệm không còn mang nhiều ý nghĩa vì dịch đã ngấm sâu, lây lan rộng. TP.HCM nên chuyển sang hướng chỉ nên xét nghiệm những người triệu chứng ho, sốt. Bên cạnh đó, gần như tất cả người trong độ tuổi được tiêm vaccine tiêm mũi 1 nên nguy cơ lây nhiễm không cao.
“Chúng ta chỉ nên xét nghiệm những người có triệu chứng hoặc người già, cao tuổi, người bệnh lý nền, nguy cơ cao. Ngoài ra, trong trường hợp mở lại trường học, cơ quan, xí nghiệp thì TP.HCM có thể nghiên cứu xét nghiệm theo diện từng cơ quan. Chủ yếu chúng ta nên kiểm soát người không triệu chứng chứ không nên xét nghiệm tràn lan như trước nữa, vừa tốn kém về nhân lực và vật lực mà không mang nhiều ý nghĩa”, ông Nga nhận định.
Cũng theo ông Nga, TP.HCM cũng nên nghiên cứu việc kiểm soát nguồn lây tiếp xúc giữa người với người trong khu cách ly, phong tỏa. "Bởi giãn cách quận với quận, phường với phường hay tổ dân phố với tổ dân phố nhưng quận, phường, tổ dân phố 'có dịch đâu', mà dịch là ở giữa người với người. Nếu cứ giãn cách mà con người trong khu vực vẫn đi lại, giao lưu với nhau thì vẫn xảy ra lây nhiễm”, ông Nga nhấn mạnh.
Nới lỏng có mạo hiểm?
Về quyết định nới lỏng dần ở TP.HCM khi số ca mắc vẫn lên đến hàng nghìn ca mỗi ngày, ông Nga cho rằng đây là thời điểm nên thực hiện nới lỏng, nhưng nới lỏng thế nào thì thành phố nên thận trọng. Hiện TP.HCM giãn cách xã hội đã khá lâu, không nên tiếp tục kéo dài thêm bởi càng kéo dài thì thiệt hại kinh tế càng lớn, khiến người dân, doanh nghiệp thêm mệt mỏi.
“TP.HCM tiêm chủng được 100% người dân trong độ tuổi mũi 1 vaccine COVID-19 nên nguy cơ lây lan dịch cũng không cao như trước. Vì vậy thành phố cũng nên đánh giá lại nguy cơ thật kỹ càng, có tư vấn của các chuyên gia dịch tễ để từ đó đưa ra bước nới lỏng thận trọng, chứ không nên giãn cách kéo dài nữa, người dân và doanh nghiệp cũng mệt mỏi”, ông Nga nhận định.
TP.HCM nên xây dựng lộ trình nới lỏng thật cụ thể. Với tình hình dịch hiện nay, thành phố nên tổ chức thí điểm nới lỏng ở những vùng nhỏ, như từng phường, từng quận… từ đó xem xét, đánh giá cho những lộ trình nới lỏng tiếp theo.
Thành phố cũng xác định chấp nhận “sống chung” với COVID-19 vì dịch lây lan rộng, việc đưa số ca F0 về “Zero” là không thể. Thay vì xét nghiệm rộng, TP.HCM nên tập trung theo dõi, điều trị cho những người bệnh nền, triệu chứng nặng. Còn với những trường hợp bệnh không triệu chứng thì không cần phải bóc tách nữa.
“Dịch đã ngấm sâu, lan rộng như vậy thì việc bóc tách những ca F0 không triệu chứng không quá cần thiết nữa. TP.HCM cũng nên tính toán tới việc đánh giá khả năng miễn dịch cộng đồng thế nào. Bởi nhiều người đã tiêm vaccine, số ca khỏi bệnh mỗi ngày một tăng. Tuy nhiên, vấn đề này chúng ta cũng cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, cẩn trọng từng bước”, ông Nga nhấn mạnh.
Kể từ khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam (27/4 đến nay), TP.HCM trải qua nhiều đợt giãn cách. Đến nay sau hơn 3 tháng giãn cách (từ 31/5 đến 17/9), mỗi ngày thành phố vẫn ghi nhận từ 4.000-6.000 ca COVID-19. Hiện TP.HCM là địa phương đứng đầu về số ca bệnh trong cả nước (320.823 ca), sau đó là các tỉnh Bình Dương (169.073), Đồng Nai (37.736), Long An (29.570), Tiền Giang (12.642).