Chuyên gia: 'Diễn tập trên tàu Cát Linh-Hà Đông phải báo cho hành khách biết trước'

TS Khương Kim Tạo: Diễn tập trên tàu nên báo cho hành khách biết trước, không để họ rơi vào thế bị động, hoang mang và có thể ảnh hưởng tới tâm lý sau này mỗi khi đi tàu

Cách đây hơn 1 tuần vào ngày 7/12, phản hồi về sự cố tàu mất tín hiệu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường cho biết đây chỉ là một sự cố diễn tập. Đông. Kịch bản cho tình huống này không được thông báo trước để đảm bảo tính khách quan trong quá trình kiểm tra.

Mới đây, ông này còn cho biết thêm, theo khuyến cáo của tư vấn ACT (Pháp) và Hội đồng Kiểm tra nghiệm thu Nhà nước, trong một năm đầu, cần diễn tập xử lý một số tình huống, sự cố để nâng cao chất lượng an toàn cho tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông. Đây là một trong số 63 tình huống khẩn cấp mà đơn vị vận hành đường sắt trên cao có dự tính và đã trải qua tập huấn; được diễn ra theo đúng kịch bản dự kiến, cho thấy khả năng ứng phó hiệu quả của đơn vị quản lý, khai thác. Trong thời gian xảy ra sự cố, các chuyến tàu đi qua ga khác vẫn vận hành bình thường.

TS Khương Kim Tạo

TS Khương Kim Tạo

Liên quan đến vấn đề này, TS Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, diễn tập liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội của đường sắt Cát Linh- Hà Đông là một trường hợp cụ thể trong vấn đề diễn tập chung, bảo đảm an toàn cả những vấn đề khác như phòng cháy chữa cháy, cần phải thực hiện. Tuy nhiên, việc diễn tập phải làm thế nào để ít ảnh hưởng đến nhân dân nhất, điều đó cần phải nghiên cứu.

Diễn tập phải ít ảnh hưởng đến người dân nhất

Theo TS Khương Kim Tạo, trong lần đầu diễn tập nên diễn tập không người để cho các lực lượng diễn tập làm quen và thuộc quy trình công việc. Sau đó, khi thấy thành thạo rồi thì diễn tập có người, có hành khách nhưng nên báo trước, để hành khách chủ động trong việc không bị hoang mang, không bị sang chấn tâm lý con người.

“Theo tôi, trong nhiều tình huống diễn tập trong hoạt động y tế, phòng cháy chữa cháy, an toàn an ninh… đều có những quy định về cách thức thực hiện và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người dân. Diễn tập trên tàu cũng vậy, nên báo cho hành khách biết trước, không để họ rơi vào thế bị động, hoang mang và có thể ảnh hưởng tới tâm lý sau này mỗi khi đi tàu”- TS Khương Kim Tạo nói.

(Ảnh: Metro Hà Nội).

(Ảnh: Metro Hà Nội).

Vì thế, theo TS Khương Kim Tạo, bất kể lần diễn tập nào cũng nên báo trước cho hành khách đi tàu. Lần 1 có thể không người, lần 2 thì có thể cho hành khách và lực lượng diễn tập đều biết. Nhưng đến lần thứ 3 thì không nên cho lực lượng diễn tập biết. Làm như thế để xem lực lượng diễn tập xem có phản ứng kịp các tình huống xảy ra hay không. Có như vậy với ứng phó và xử lý được các tình huống thực tế không may xảy ra.

Về việc Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường đưa ra 63 tình huống khẩn cấp mà đơn vị vận hành đường sắt trên cao dự tính, TS Khương Kim Tạo cho rằng, có thể đưa ra nhiều tình huống như vậy là dựa trên các tính toán, yêu cầu để đảm bảo an toàn, an ninh chạy tàu. Tuy nhiên, nên quan tâm nhiều đến lực lượng nội bộ, chủ yếu đưa ra các tình huống để họ thực hành thuần thục, phản ứng kịp thời khi xảy ra các tình huống thực tế.

“Không nên cả 63 tình huống đều liên quan đến hành khách và nếu có tình huống nào liên quan đều phải cho người dân biết trước, không để họ bị bất ngờ”- TS Khương Kim Tạo đề xuất./.

An An/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/chuyen-gia-dien-tap-tren-tau-cat-linh-ha-dong-phai-bao-cho-hanh-khach-biet-truoc-post912078.vov