Chuyên gia đồng tình việc trừ hết 12 điểm bằng lái nếu có hành vi cố ý

Các hành vi chạy quá tốc độ ở mức cao, chở quá tải, đua xe, lạng lách đánh võng, sử dụng chất kích thích… sẽ bị trừ hết 12 điểm bằng lái.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiệu lực từ 1-1-2025, quy định về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm của giấy phép lái xe (GPLX).

Để tránh khoảng trống pháp lý khi luật có hiệu lực, Bộ Công an đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX.

Nhiều hành vi bị trừ hết điểm bằng lái

Theo Bộ Công an, việc trừ điểm GPLX không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm đã bị trừ điểm GPLX thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX. Như vậy, chủ phương tiện có thể vừa bị trừ điểm bằng lái vừa bị phạt tiền. Tuy nhiên, lái xe bị trừ điểm bằng lái thì không bị tước bằng.

Trên quan điểm đó, cơ quan soạn thảo đề xuất 189 hành vi và nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX, với mức trừ thấp nhất là 2 điểm và cao nhất là 12 điểm.

Đáng chú ý có 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ sạch 12 điểm GPLX. Chẳng hạn hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, chở hàng vượt trọng tải trên 150%.

Chưa hết, hành vi đua xe trái phép, lạng lách đánh võng, không chấp hành yêu cầu kiểm tra chất kích thích, chở hàng siêu trường siêu trọng không giấy phép, chạy quá tốc độ trên 35km/h, đua xe… cũng bị trừ sạch điểm GPLX.

Ngoài việc trừ điểm, một số hành vi nêu trên còn bị xử phạt tiền, đối với hành vi đua xe máy hoặc ô tô còn bị tịch thu phương tiện.

 Bộ Công an đề xuất hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị trừ hết điểm bằng lái. Ảnh: P.HÙNG

Bộ Công an đề xuất hành vi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị trừ hết điểm bằng lái. Ảnh: P.HÙNG

Theo đánh giá của Bộ Công an, các hành vi trên đều là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông... nên mức xử phạt hành chính và xử phạt bổ sung phải tương xứng.

Người bị trừ hết điểm GPLX sau thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, phải tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu mới được phục hồi đủ 12 điểm.

GPLX chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh như hình thức tước GPLX hiện hành.

Cần bổ sung thêm hành vi lùi xe trên đường cao tốc

Trao đổi với PLO, TS. Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, khẳng định hoàn toàn nhất trí với việc trừ điểm GPLX trong dự thảo.

Tuy nhiên, ông Tạo đề xuất hành vi lái xe đi ngược chiều và lùi xe trên đường cao tốc cần phải trừ sạch 12 điểm GPLX, thay vì trừ 6 điểm như dự thảo. Bởi lẽ, hành vi trên của lái xe thể hiện thái độ coi thường tính mạng bản thân và của người tham gia giao thông khác. Thực tế, thời gian qua, cả nước ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khi tài xế đi ngược chiều và lùi trên cao tốc. “Vì vậy, hành vi này cần có mức trừ điểm tương xứng, nhằm đủ sức răn đe…”- ông Tạo nói.

Đối với hành vi lái xe lạng lách đánh võng bị trừ sạch điểm GPLX, ông cũng góp ý cơ quan soạn thảo xem lại, vì hành vi lạng lách đánh võng chưa được miêu tả rõ. Đơn cử, lái xe điều khiển phương tiện liên tục lách qua các xe phía trước trong giới hạn, không gian cho phép và an toàn không thể xem là lạng lách, đánh võng.

Tương tự, dự thảo cũng chưa mô tả đầy đủ hành vi lái xe chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ. Bởi lẽ, xe chạy trên đường đương nhiên đuổi nhau, còn chạy quá tốc độ đã được xử lý hành vi vi phạm tốc độ.

“Cả hai hành vi lái xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ cần được làm rõ ràng hơn, hoặc cân nhắc việc trừ điểm. Mục đích, tạo điều kiện cho công tác thực thi công vụ, tránh gây bức xúc cho người tham gia giao thông”- ông Tạo nói và cho rằng nếu lái xe cố tình thực hiện các hành vi trên chúng ta đã có các hình thức chế tài phù hợp khác.

Thêm vào đó, ông cũng đề nghị hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở nên giảm xuống 8 điểm, thay vì 10 điểm như dự thảo.

Về hành vi quay người về phía sau để lái xe máy, hoặc bịt mắt lái xe máy; quay người về phía sau để điều khiển xe máy hoặc bịt mắt lái xe máy, ông Tạo cho rằng cả hai hành vi này đều nguy hiểm như nhau, nên trừ điểm GPLX kịch khung.

Ngoài ra, dự thảo mới chỉ quy định trừ 4 điểm đối với hành vi lái xe máy vào đường cao tốc. Tuy nhiên, ông Tạo đề nghị cần điều chỉnh theo hướng, lái xe máy chạy thuận chiều vào cao tốc trừ 4 điểm, nhưng lái xe máy ngược chiều trên cao tốc cần phải trừ sạch điểm GPLX. “Đây là hành vi rất nguy hiểm và thời gian qua đã ghi nhận một số vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe máy chạy ngược chiều trên cao tốc”- ông Tạo góp ý.

Anh Nguyễn Đức Anh (Hà Nội) bày tỏ đồng tình với quy định trừ điểm bằng lái xe. Đây là quy định tiến bộ được các nước phát triển áp dụng và trước đây chúng ta cũng từng có hình thức trừ điểm tương tự như vậy.

Tuy nhiên, anh Đức Anh đề xuất hành vi lái xe đi lùi hoặc ngược chiều trên đường cao tốc cần phải trừ hết 12 điểm bằng lái, thay vì chỉ bị trừ 6 điểm như dự thảo. “Bởi lẽ, một số phương tiện đi lùi trên cao tốc là hành vi cố ý và nguy hiểm cho các phương tiện khác đang lưu thông ở tốc độ cao”- anh Đức Anh góp ý.

Tôi ủng hộ quan điểm có những lỗi vi phạm gây tiềm ẩn nguy cơ cao cho xã hội mà mang tính chất cố ý cần trừ hết điểm GPLX. Còn những hành vi không phải cố ý, xảy ra trong hoàn cảnh nhất định nào đó cần trừ điểm ở mức phù hợp.

Tức là mọi hành vi vi phạm đều phải có mức trừ điểm tương ứng với lỗi vi phạm để đủ sức răn đe, nhắc nhở người vi phạm giao thông chấp hành các quy định pháp luật về giao thông.

Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam

Đồng quan điểm, T.S Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông khẳng định rất đồng tình với quy định trừ điểm GPLX, nhằm đánh giá toàn diện kỹ năng cũng như nhận thức của mỗi tài xế. Tuy nhiên, ông nhận định việc trừ điểm GPLX như thế nào là vấn đề rất khó, đòi hỏi cơ quan soạn thảo phải làm việc một cách nghiêm túc, khoa học, chính xác và nhân văn.

“Nếu chúng ta không hội tụ các yếu tố trên rất dễ phát sinh tiêu cực, dẫn đến đánh giá sai hành vi, xử phạt tùy tiện và áp đặt…”- ông Thủy nói.

Vị chuyên gia giao thông cũng đồng tình cần có những hành vi bị trừ sạch điểm bằng lái nhưng ông đánh giá việc trừ điểm nhiều hay ít không quan trọng, điểm mấu chốt của vấn đề trừ điểm GPLX nằm ở chỗ người xử phạt.

“Vì chúng ta đưa ra nhiều khung vi phạm để trừ điểm, tuy nhiên người xử phạt nếu không có kỹ năng, không công bằng, minh bạch… thậm chí là tiêu cực sẽ gây ra việc trừ điểm không phù hợp với hành vi và ngược lại…”- ông Thủy nói.

Ngoài ra, ông Thủy cũng cho rằng quy định việc phục hồi lại điểm phải tham gia lớp đào tạo kiến thức do công an tổ chức chưa phù hợp.

“Bởi tài xế họ vi phạm không hẳn là họ kỹ năng kém, không phải do họ không nắm được quy định pháp luật mà do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, do lúc đó họ không tập trung, máu ăn thua tăng lên không làm chủ được mình…. Vì thế không nhất thiết bắt họ học đào tạo lại kiến thức và kỹ năng. Thêm vào đó, quy định này cũng dễ phát sinh tiêu cực”- ông Thủy góp ý.

Theo Bộ Công an, dữ liệu về điểm, trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và trừ điểm GPLX. Việc trừ điểm, phục hồi điểm GPLX được tự động thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-dong-tinh-viec-tru-het-12-diem-bang-lai-neu-co-hanh-vi-co-y-post803604.html