Chuyên gia dự báo báo lạm phát năm 2024 từ 2,5-3,5%

Ngày 4-1, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: 'Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024'.

Phát biểu dự báo về lạm phát năm 2024, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nhận định, áp lực lạm phát sẽ không lớn bởi một số nguyên nhân.

Thứ nhất, kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, đồng thời nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái chưa được loại trừ. Các số liệu trong lịch sử từ năm 1982 đến nay cho thấy, khi lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 tháng cao hơn so với kỳ hạn 10 năm (đường cong lãi suất âm), thì nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái sau 3-6 quý.

Như vậy, với việc đường cong lãi suất tại Mỹ đạt mức âm vào quý 4-2022, khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2024 là hoàn toàn có thể xảy ra.

Các chuyên gia cùng chung nhận định, chỉ số lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát tốt

Thứ hai, với triển vọng kinh tế thế giới không thật sự khả quan, giá dầu sẽ khó tăng mạnh, thậm chí có thể giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Dự báo giá dầu WTI trong năm 2024 sẽ xoay quanh mức trung bình 5 năm của giai đoạn 2019-2023 là 67 USD/thùng.

Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải dù chỉ phải so với nền thấp của năm 2023 (mục tiêu trên 6%, cao hơn một chút so với năm 2022). Hơn nữa, do thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp - xây dựng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024.

Theo các chuyên gia, tình hình lạm phát năm 2024 không đáng quan ngại

“Nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh mức 6% như nhiều dự báo, tính chung giai đoạn 2020-2024, GDP sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 4,64%, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Đây là yếu tố kiềm chế lạm phát trong thời gian tới”, TS Nguyễn Đức Độ lập luận.

Thứ tư, áp lực lạm phát từ yếu tố tỷ giá tăng trong năm 2024 được dự báo sẽ không lớn khi đồng USD đang trong xu hướng giảm giá, còn FED nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ quý II-2024.

Vẫn theo chuyên gia này, do có nhiều nhân tố hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát, tốc độ tăng CPI hàng tháng trong năm 2024 nhiều khả năng sẽ không cao hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2023 là 0,24%/tháng.

Cụ thể, TS Nguyễn Đức Độ đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024. Ở kịch bản cao (kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng bình thường, giá nhiên, nguyên, vật liệu ổn định), CPI có thể tăng trung bình 0,24%/tháng, lạm phát trung bình sẽ ở mức 3,5%.

Trong kịch bản thấp (kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong nửa sau của năm 2024 và Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh, giá nhiên, nguyên, vật liệu giảm mạnh như năm 2020), CPI trung bình là 2,5%.

Trong kịch bản trung bình (kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nhưng không rơi vào suy thoái, Việt Nam bị ảnh hưởng không nhiều, giá nguyên, nhiên, vật liệu giảm nhẹ), CPI trung bình cả năm sẽ ở mức 3%.

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/chuyen-gia-du-bao-bao-lam-phat-nam-2024-tu-25-35-post111017.html