Chuyên gia Đức: Chính quyền nên tập trung vào những ca siêu lây nhiễm
Chuyên gia y tế đồng thời là nghị sĩ Đức Karl Lauterbach cho rằng chiến lược chống Covid-19 của Đức cần thay đổi, cụ thể là tập trung vào những trường hợp 'siêu lây nhiễm'.
Ông Karl Lauterbach, 57 tuổi, là chuyên gia y tế của Đảng Dân chủ Xã hội Đức và là đại biểu quốc hội Đức từ năm 2005. Ông là bác sĩ y khoa từng theo học dịch tễ học và ngành kinh tế tại Đại học Harvard.
Lauterbach học y khoa tại các thành phố Aachen, Texas và Düsseldorf. Trước khi tham gia chính trường, ông là Giám đốc Viện kinh tế, y tế và dịch tễ học lâm sàng của Đại học Cologne ở Đức trong giai đoạn 1998-2005.
Mới đây, tạp chí Der Spiegel đã phỏng vấn với ông Lauterbach về tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay dưới góc nhìn của chuyên gia trong lĩnh vực y tế, đồng thời tham khảo ý kiến của ông dưới tư cách của nhà chức trách về những sách lược đối phó với diễn biến phức tạp của đại dịch.
- Lo lắng lớn nhất của ông trong khoảng thời gian gần đây là gì?
- Tôi lo ngại về làn sóng những ca nhiễm Covid-19 mới. Quá trình hình thành nên đợt lây lan virus mới đã và đang diễn ra. Chúng ta đã có thể xử lý đợt bùng phát đầu tiên tốt hơn nếu tiếp tục áp dụng các quy định cách ly xã hội trong khoảng thời gian dài hơn, khoảng hai đến ba tuần nữa.
Hiện nay, làn sóng các ca nhiễm mới đang manh nha bùng phát. Để ứng phó với tình thế lúc này, chúng ta cần ngay lập tức thay đổi sách lược để đối đầu với đại dịch.
- Có thể làm gì để ngăn số ca nhiễm mới tăng mạnh vài tháng tới?
- Ban bố tình trạng phong tỏa hay thắt chặt các quy định cách ly xã hội một lần nữa đều gây ra tác động tiêu cực lên nhiều khía cạnh của xã hội.
Mặt khác, cũng phải giả định rằng nếu không bắt buộc người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như cách xa nhau 2 m hay đeo khẩu trang nơi công cộng, khả năng cao là nhiều người sẽ không chịu tuân thủ.
Do đó, vai trò của các cơ quan y tế trong việc đưa ra chính sách ứng phó với tình hình hiện tại mang tính quyết định.
Nguồn "siêu lây nhiễm"
- Cho đến nay, các nhà chức trách đã nỗ lực theo dõi những liên hệ từng tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với Covid-19 nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus. Cách tiếp cận đó không ổn ở điểm nào?
- Hướng đi này hoàn toàn không hiệu quả. Thay vì liên lạc với từng người qua điện thoại, các nhà chức trách nên tập trung vào những trường hợp được phân loại “siêu lây nhiễm”.
Chỉ một vài bệnh nhân “siêu lây nhiễm” có thể lây lan virus cho vài chục người mỗi khi tiếp xúc ở những sự kiện hay buổi tụ tập có đông người tham gia.
Dẫu rằng nhóm đối tượng này chiếm số lượng rất ít trong tổng các ca mắc bệnh song họ lại là những người thực sự gây ra sự bùng phát của đại dịch. Nếu chúng ta không mau chóng điều chỉnh cách tiếp cận, làn sóng lây nhiễm tiếp theo sẽ rất dữ dội.
- Tại sao chiến lược đang được áp dụng hiện nay không hiệu quả?
- Phương pháp theo dõi các liên hệ với người bệnh đòi hỏi xử lý một khối lượng công việc khổng lồ, sử dụng nhiều nhân sự nhưng lại không thực sự đem lại kết quả.
Chúng ta đang cố bắt kịp đại dịch nhưng không thành công. Các bệnh nhân dương tính với virus hầu hết được cách ly vào thời điểm họ đã lây nhiễm virus cho nhiều người khác từ trước đó.
Những người cảm thấy không khỏe thường đến bác sĩ vào ngày thứ hai khi có những triệu chứng của Covid-19, thời điểm đó thường là ngày thứ tư kể từ khi nhiễm virus, bởi hai ngày đầu tiên thường chưa bộc phát triệu chứng. Vài ngày nữa lại trôi đi trước khi có kết quả xét nghiệm trả về từ cơ quan y tế.
Trung bình, bệnh nhân được cách ly sau khi nhiễm virus được 6-7 ngày, khoảng thời gian đó đủ để phát tán virus trên diện rộng. Chúng ta phải hành động nhanh hơn nữa mới mong chống lại được sự phức tạp và khó lường của đại dịch này.
Bài học từ Nhật: Không phong tỏa vẫn chống được dịch
- Những hướng đi khả dĩ vào thời điểm này là gì?
- Tôi nghĩ chúng ta nên tham khảo cách tiếp cận mà Nhật Bản đang áp dụng, chiến lược chống dịch của họ đã và đang phát huy hiệu quả trong việc hạn chế sự lan truyền virus đến từ những nguồn “siêu lây lan”, đó có thể là buổi hội nghị, tiệc cưới hay đơn giản là buổi họp mặt gia đình với đông người tham gia.
Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, Nhật Bản không tiến hành cách ly xã hội nhưng công tác chống dịch vẫn đạt được những bước tiến không thua kém Đức và các nước châu Âu khác.
Đây chính là thứ mà chúng ta cần khi làn sóng dịch tiếp theo manh nha lan rộng: không phong tỏa nhưng vẫn khống chế được dịch.
- Các nhà chức trách Đức nên áp dụng hướng đi này như thế nào?
- Khi xét nghiệm xem người có nhiễm virus hay không, bộ phận kiểm tra sẽ dùng một mẫu đơn để truy ngược một cách có hệ thống xem liệu người đó có tham gia các sự kiện hay buổi họp mặt đông người vào khoảng thời gian trước đó hay không.
Nếu bệnh nhân dương tính với Covid-19, những người từng tham gia các sự kiện mà người nhiễm virus từng hiện diện phải ngay lập tức được cách ly, thậm chí trước khi họ được xét nghiệm. Đó là cách duy nhất để ngăn virus lan rộng không kiểm soát.
- Nếu một cá nhân đang học tập hoặc làm việc tại một cơ sở giáo dục mà nhiễm bệnh thì sao?
- Toàn bộ học sinh của trường học đó và cả gia đình của họ phải được cách ly trong một tuần. Đó là cách duy nhất để ngăn các lớp học trở thành địa điểm “siêu phát tán”.
- Những trường hợp dương tính nhưng chưa tham gia các sự kiện có đông người tham gia thì sao?
- Cơ quan chức năng sẽ không phải kiểm tra những người mà họ từng tiếp xúc nữa. Bộ phận xét nghiệm và các cơ sở y tế sẽ có thể tập trung nguồn lực vào xử lý những nguồn “siêu lây nhiễm”.
- Nếu vậy chẳng phải cấm tụ tập đông người sẽ hiệu quả hơn sao?
- Chúng ta cần làm mọi cách để cấm các sự kiện quy tụ nhiều người, thậm chí là áp dụng các lệnh cấm và chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Các trận đấu trong khuôn khổ Giải bóng đá vô địch quốc gia Đức (Bundesliga) sẽ tổ chức mà không có khán giả. Những buổi tụ tập không tuân theo quy định giãn cách xã hội như bữa tiệc lớn ở công viên Hasenheide, Berlin, gần đây phải bị phạt thật nặng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đưa ra những lời kêu gọi về việc duy trì khoảng cách 2 m khi tiếp xúc nơi công cộng hay đeo khẩu trang khi ra ngoài để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tuân thủ những quy tắc an toàn.
Chúng ta cần những kế hoạch rõ ràng và hiệu quả.