Chuyên gia Đức: Phán quyết PCA bác bỏ dứt khoát tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
Nhân dịp 5 năm ngày Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết về Biển Đông, Tiến sĩ Gerhard Will, nguyên chuyên gia về Biển Đông thuộc Viện Khoa học và Chính trị Đức, đã bình luận về vấn đề này.
Đánh giá về tình hình Biển Đông thời gian qua, Tiến sĩ Gerhard Will cho rằng về mặt pháp lý, từ sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, Trung Quốc không còn khăng khăng theo đuổi quan điểm "đường 9 đoạn" của họ nữa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên các đảo mà họ chiếm đóng ở Biển Đông tiếp tục được thể hiện rõ. Theo ông, cùng với những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế khác, đây chính là nguyên nhân gây ra căng thẳng trong khu vực.
Chuyên gia Đức cũng cho rằng trong thời gian qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và điều đó khiến cộng đồng ASEAN gặp khó trong việc tổ chức các cuộc trao đổi, thảo luận trực tiếp để thống nhất quan điểm về các vấn đề liên quan tới Biển Đông.
Về giá trị phán quyết của PCA, Tiến sĩ Gerhard Will cho rằng phán quyết đã làm rõ nhiều vấn đề trong tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời bác bỏ một cách dứt khoát các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Phán quyết này đã được đại đa số cộng đồng quốc tế công nhận, có cơ sở pháp lý vững chắc và có giá trị lớn trong việc giải quyết xung đột Biển Đông. Bên vi phạm sẽ không thể viện dẫn luật pháp quốc tế cho đến khi họ công nhận và tuân thủ phán quyết này của Tòa Trọng tài.
Theo chuyên gia Gerhard Will, để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục diễn ra trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế mà trước hết là các quốc gia ASEAN, cần phải mạnh mẽ ủng hộ phán quyết, đồng thời yêu cầu bên vi phạm tuân thủ phán quyết này, coi đây là điều kiện tiên quyết cho việc hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai bên.
Về quan điểm của EU đối với xung đột ở Biển Đông, Tiến sĩ Gerhard Will nhận định các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên đầu tàu như Đức, Pháp, Hà Lan ban hành cho thấy châu Âu không chỉ coi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng về mặt kinh tế, mà còn thể hiện sự quan tâm lớn tới tình hình chính trị và an ninh khu vực.
Theo ông, cả EU và Đức đều biết rằng họ chỉ có thể có sự hiện diện quân sự mang tính biểu tượng ở khu vực này. Trong trường hợp tốt nhất, Brussels và Berlin có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các bên.
Theo Tiến sĩ Gerhard Will, trái ngược với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU và Đức bao gồm cả sự hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông, Trung Quốc có vẻ sẽ không chấp nhận một nhân tố trung gian hòa giải như vậy.
Tuy nhiên, ông Gerhard Will cho rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer mới đây có cuộc trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc là một tín hiệu tốt cho việc này. Theo ông, trong tình hình hiện tại, điều quan trọng là phải thiết lập và tăng cường các kênh liên lạc như vậy.