Chuyên gia: 'Đừng nhầm lẫn khả năng chính sách của NHNN và hoạt động của ngân hàng thương mại'

Các ngân hàng thương mại cho biết có thể chấp nhận rủi ro hơn, nhưng phải thu hồi được vốn trong khi chuyên gia khuyến cáo nhà nước không nên can thiệp vào hoạt động cho vay của ngân hàng.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế

Tín dụng tăng thấp khiến Chính phủ sốt ruột tìm cách tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dù vậy, theo các chuyên gia, không gian cho chính sách tiền tệ không còn nhiều.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.

Theo ông, để có lời giải cho bài toán này, chỉ riêng hệ thống ngân hàng cũng khó giải quyết được vấn đề. Trước tiên về tư duy cần phải tách bạch, "không được đánh đồng" giữa vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.

Từ tổng thể chung của nền kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất) cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.

Đối với tín dụng, cần phải phân biệt rành mạch về khả năng về chính sách của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.

Bên cạnh đó, cần tính đánh giá, toán kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh,…

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, cho vay ra sao là quyền của các ngân hàng thương mại theo "khẩu vị rủi ro" của từng ngân hàng. Nhà nước chỉ nên đưa ra khuyến cáo, không nên bắt buộc.

Thực tế, mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp với bức tranh chung của nền kinh tế. Lý do chính của tăng trưởng tín dụng chưa cao là do thị trường xuất khẩu giảm, nên doanh nghiệp thận trọng trong các kế hoạch đầu tư sản xuất.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI tán thành quan điểm cho rằng, không gian cho chính sách tiền tệ không còn nhiều, do đó cần có những giải pháp tổng thể cả về tài khóa, hành chính để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Về phần mình, đại diện các ngân hàng thương mại cho hay, "ngân hàng cũng rất đau đầu vì vẫn phải huy động vốn và trả lãi vay, áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn".

Thực tế, do nhu cầu thị trường không có nên doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vốn. Bởi nếu vay vốn về sản xuất mà hàng tồn kho nhiều hơn, lại phải trả lãi thì doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa nữa.

Qua đó, các ngân hàng đề xuất các giải pháp liên quan đến kích cầu tiêu dùng, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, khôi phục niềm tin thị trường,... để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Về tín dụng, các ngân hàng thương mại cho biết có thể chấp nhận rủi ro hơn, nhưng phải thu hồi được vốn và các dự án phải có cơ sở pháp lý chắc chắn… Trong bối cảnh các cơ chế liên quan đến tín dụng "đã mở hết rồi", các ngân hàng trao đổi với doanh nghiệp để nói rõ "khẩu vị", đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp về cách làm để tìm tiếng nói chung

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuyen-gia-dung-nham-lan-kha-nang-chinh-sach-cua-nhnn-va-hoat-dong-cua-ngan-hang-thuong-mai-d198083.html