Chuyên gia giao thông: Hà Nội tăng mức xử phạt vi phạm cần có lộ trình, kèm theo cải thiện hệ thống giao thông công cộng

TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông (nguyên Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản GTVT) cho biết, điều chỉnh mức xử phạt cần có lộ trình hợp lý, đi kèm với cải thiện hệ thống giao thông công cộng để tạo sự đồng thuận từ người dân.

UBND TP Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến người dân về tờ trình dự thảo nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đề xuất, mức phạt sẽ tăng từ 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168, áp dụng với 107 hành vi vi phạm và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2025.

Theo UBND TP Hà Nội, việc điều chỉnh mức phạt tập trung vào ba nhóm hành vi chính: Các vi phạm phổ biến, diễn ra hằng ngày, ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen của người dân và mỹ quan đô thị. Các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc. Các vi phạm gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng và kết cấu hạ tầng giao thông.

TS. Nguyễn Xuân Thủy.

TS. Nguyễn Xuân Thủy.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT, Bộ Giao thông vận tải, chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị.

Bàn về vấn đề, TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ quan điểm: "Không thể muốn phạt bao nhiêu cũng được chỉ vì mục đích chống ùn tắc. Mức phạt theo Nghị định 168 đã khá cao, trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Nếu xử phạt tới 5 - 20 triệu đồng, người dân nghèo có thể mất phương tiện mưu sinh".

Lý giải thêm, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho hay:

Thứ nhất, mức phạt theo Nghị định 168 đối với một số bộ phận người dân là quá cao. Trên thực tế, nghị định này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động và người dân có thu nhập thấp.

Thứ hai, hệ thống giao thông công cộng chưa có sự kết nối đồng bộ. Việc xây dựng tuyến tàu điện metro diễn ra chưa đúng tiến độ, trong khi nhiều tuyến xe buýt không tuân thủ đúng lịch trình, khiến người dân ít mặn mà với việc sử dụng phương tiện công cộng.

Thứ ba, mức sống của nhiều người dân vẫn còn thấp, họ phải sử dụng xe máy để mưu sinh. Nếu áp dụng mức phạt quá cao, họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xoay sở cuộc sống.

Thứ tư, hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, vỉa hè bị lấn chiếm, cầu đường chật hẹp, trong khi tại trung tâm Thủ đô, các tòa nhà cao tầng liên tục mọc lên với mật độ dày đặc... Tất cả những yếu tố này đều góp phần gây ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, phần lớn người dân vẫn phải sử dụng xe máy để kiếm sống, mức phạt nặng có thể khiến họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, vỉa hè bị lấn chiếm, cầu đường hẹp, trong khi mật độ dân cư tại trung tâm Hà Nội ngày càng tăng.

"Tôi cho rằng dự thảo nghị quyết quy định tăng mức tiền phạt của Hà Nội mục đích tốt, tuy một chính sách đề ra cần phù hợp mức sống, mong muốn của người dân", TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.

Giải pháp chống ùn tắc giao thông

Thay vì tăng mạnh mức xử phạt, TS. Nguyễn Xuân Thủy đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm giảm ùn tắc giao thông một cách bền vững:

Một là, phát triển mạnh kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cấp các tuyến đường chính, xây dựng cầu vượt, đường ngầm, mở rộng cửa ngõ thành phố.

Hai là, quy hoạch đô thị gắn với giao thông, hạn chế xây dựng nhà cao tầng tại khu vực trung tâm để giảm áp lực lên hạ tầng.

Ba là, hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị, đặc biệt là hệ thống tàu điện metro.

Bốn là, tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, nâng cao ý thức tuân thủ luật giao thông.

Cuối cùng, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc điều chỉnh mức xử phạt cần có lộ trình hợp lý, đi kèm với cải thiện hệ thống giao thông công cộng để tạo sự đồng thuận từ người dân. Nếu kết hợp các giải pháp đồng bộ, ùn tắc giao thông sẽ được giải quyết một cách bền vững, thay vì chỉ tập trung vào việc tăng mức xử phạt.

Đan Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-giao-thong-noi-ha-noi-tang-muc-xu-phat-vi-pham-can-co-lo-trinh-kem-theo-cai-thien-he-thong-giao-thong-cong-cong-169250207121754023.htm