Chuyên gia 'hiến kế' để doanh nghiệp logistics tránh bị lừa đảo khi giao dịch quốc tế

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, sự bất ổn địa chính trị toàn cầu dẫn đến sự bất ổn về kinh tế, khiến rất nhiều doanh nghiệp bị 'tổn thương' và trở thành mục tiêu của việc lừa đảo.

Thận trọng trong giao dịch điện tử

Tọa đàm trực tuyến "Logistics với thị trường Hoa Kỳ" ngày 23/12, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, hiện nay trong bối cảnh quốc tế, các trường hợp về tranh chấp hợp đồng, các vấn đề lừa đảo ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố.

Cụ thể bao gồm sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các điều kiện kinh bất ổn, đứt gãy của chuỗi cung ứng và sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Trong đó, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng lừa đảo trong quốc tế là việc ứng dụng công nghệ mới, sử dụng công nghệ số trong giao trực tuyến đã tạo điều kiện cho tội phạm cũng như đối tượng trục lợi lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo phức tạp và khó phát hiện.

Đồng thời là sự bất ổn địa chính trị toàn cầu dẫn đến sự bất ổn về kinh tế, khiến rất nhiều doanh nghiệp bị “tổn thương” và trở thành mục tiêu của việc lừa đảo. Cùng đó là việc thiếu kiến thức và kinh nghiệm, đặc biệt trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu kinh nghiệm trong giao dịch quốc tế.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu kinh nghiệm trong giao dịch quốc tế.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu kinh nghiệm trong giao dịch quốc tế.

Tính chất phức tạp của chuỗi cung ứng với các chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài và nhiều tầng lớp trung gian, việc xác minh tính minh bạch của từng khâu ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Để giảm thiểu rủi ro trong các vụ việc xảy ra tranh chấp, các vụ kiện tụng cũng như lừa đảo khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam nên xác định xác minh đối tác thương mại.

Trước khi ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp cũng cần kiểm tra về tư cách pháp nhân, tình hình tài chính và uy tín của đối tác. Đặc biệt là có thể liên hệ với các cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ để hỗ trợ xác minh.

Đồng thời soạn thảo hợp đồng cần hết sức chặt chẽ với các điều khoản thanh toán an toàn. Cần lưu ý các điều khoản giải quyết tranh chấp, nên quy định rõ các quy định giải quyết tranh chấp trong hợp đồng, ưu tiên lựa chọn trọng tài thương mại quốc tế hoặc tòa án có thẩm quyền.

“Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý thương mại Việt Nam khi gặp khó khăn trong vấn đề thực hiện hợp đồng cũng như thanh toán. Có nghi ngờ với đối tác thì doanh nghiệp liên hệ ngay với Thương vụ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời”, ông Hưng nói.

Thận trọng trong giao dịch điện tử, kiểm tra kỹ thông tin về giao dịch khi nhận được yêu cầu thay đổi thông tin thanh toán hay liên lạc, cần xác minh qua các kênh chính thức để tránh bị lừa đảo.

Ông Hưng cũng đề xuất khi gặp doanh nghiệp Mỹ khó khăn về tài chính hoặc có nguy cơ phá sản, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần thận trọng và áp dụng các biện pháp như: định tra tình hình tài chính của doanh nghiệp hợp tác; sử dụng các điều khoản sở hữu bảo lưu tài sản; chuẩn bị giấy tờ hồ sơ pháp lý, đăng ký dưới dạng chủ nợ; tìm kiếm đối tác thay thế...

Cải tạo môi trường để doanh nghiệp logistics hoạt động tốt hơn

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng ban hành kế hoạch hành động phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra kế hoạch tương tự triển khai trong lĩnh vực của mình.

Hiện nay các địa phương cũng tích cực thu hút, kêu gọi đầu tư vào các trung tâm logistics, đặc biệt là các trung tâm có quy mô hiện đại, có tính ứng dụng công nghệ cao. Nỗ lực cải thiện đầu tư công để tạo môi trường giúp doanh nghiệp logistics hoạt động tốt hơn.

Với việc mở cửa cũng như Việt Nam tham gia WTO, thị trường logistics của Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài. Hầu hết các doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới cũng đã có sự hiện diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Hoa Kỳ dù đã có tham gia nhưng chưa tương xứng với tiềm lực.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

“Trong tương lai, Việt Nam tiếp tục là một thị trường hứa hẹn đem lại nhiều lợi nhuận trong dịch vụ logistics do là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và khối lượng hàng hóa sản xuất ra cũng rất lớn. Từ đó kéo theo nhu cầu về mặt lưu thông cũng như các dịch vụ đi kèm”, ông Hải nhấn mạnh.

Đồng thời cần chú trọng đến các dịch vụ có tính tích hợp cao, ví dụ như các chuỗi từ khâu sản xuất, đến xuất nhập khẩu và đến khâu phân phối đều có dịch vụ logistics đi kèm. Thông thường các doanh nghiệp FDI sẽ lựa chọn những dịch vụ logistics của nước ngoài vì họ có tầm với từ Việt Nam ra quốc tế.

Đặc biệt, ông Hải cho rằng, vấn đề đầu tư vào công nghệ xanh cũng cần tập trung. Ngành logistics cũng là ngành sử dụng nhiều năng lượng cũng như mức phát thải cao.

Theo đó, công nghệ xanh, công nghệ thân thiện với môi trường như sử dụng phương tiện vận tải, sử dụng điện năng lượng tái tạo… cũng là lĩnh vực hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-gia-hien-ke-de-doanh-nghiep-logistics-tranh-bi-lua-dao-khi-giao-dich-quoc-te-204241223160233492.htm