Chuyên gia hiến kế giải 'cơn khát' bãi đỗ xe tại Hà Nội
Vướng mắc về cơ chế, chính sách nên Hà Nội đang thiếu trầm trọng bãi đỗ ô tô. Chính quyền thủ đô nên sửa đổi các quy định để thu hút các nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe trên cao.
Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhiều khu đất trống nay đã được phủ kín bằng các tòa nhà cao tầng. Lượng ô tô cá nhân cũng tăng lên nhanh nên nơi đỗ xe vốn đã thiếu càng trở nên trầm trọng.
Ông Hoàng Mạnh Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm, cho biết vấn đề bãi đỗ xe đã được đặt ra từ lâu, được đơn vị chức năng đưa vào quy hoạch phát triển đô thị. Tuy nhiên, số lượng bãi đỗ xe được đưa vào khai thác hiện chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. “Theo quy hoạch, địa bàn quận có gần 80 bãi đỗ xe, tuy nhiên do việc đầu tư xây dựng triển khai chậm nên hiện mới có 6 bãi được đưa vào hoạt động. Gốc rễ của vấn đề này do yêu cầu về vốn đầu tư xây dựng lớn, trong khi hiệu quả đầu tư chưa cao, nên các cơ quan, tổ chức không mặn mà, không tập trung nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Hải cho biết.
Tình trạng dự án, quy hoạch về bãi đỗ xe bị chậm tiến độ, ngừng triển khai với những lý do như ông Hoàng Mạnh Hải vừa nêu diễn ra phổ biến ở hầu hết các quận tại Hà Nội. Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội sẽ có hơn 1.600 bãi đỗ xe công cộng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 96 dự án được đầu tư xây dựng. Trong số này, cũng mới có 18 dự án hoàn thành.
Một số nghiên cứu khác cho thấy tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện ở mức thấp, đạt 0,5% trong khi tốc độ gia tăng phương tiện là gần 5%. Tình thực trạng thiếu nơi đỗ xe, người dân phải tự xoay sở, tìm kiếm chỗ vì thế luôn hiển hiện.
Đề cập lời giải cho bài toán này, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội nên đẩy mạnh việc xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe trên cao. Đây là xu hướng tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới. Để sớm hiện thực hóa kế hoạch, Hà Nội cần xem xét, sửa đổi một số cơ chế, chính sách để đa dạng hóa các nguồn lực về vốn và quỹ đất cho vấn đề này. “Từ nay đến năm 2025, chúng ta phải huy động được gần 1800 héc-ta đất để làm bãi đỗ xe trong đô thị trung tâm. Tôi cho rằng khó thực hiện vì hiện còn thiếu cơ chế, chưa tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư. Thời gian tới chắc sẽ có cơ chế mới để hiện đại hóa bãi đỗ xe. Bằng cách này, Hà Nội khai thác hiệu quả tài nguyên đất, đồng thời giải quyết khó khăn về vấn đề quỹ đất cho vấn đề xây dựng bãi đỗ xe”, ông Nghiêu chia sẻ.
Thực tế cho thấy, vốn đầu tư cho bãi đỗ xe nổi không nhiều, trong khi đó vốn đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm rất cao, còn phí trông giữ xe lại bị khống chế. Theo Tiến sỹ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đây là một trong những “nút thắt” khiến các dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe trên cao bị đình trệ. Muốn giải bài toán thiếu bãi đỗ xe, Hà Nội cần gỡ nút thắt này theo hướng hài hòa lợi ích của các bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ trông giữ xe. “Tôi cho rằng chúng ta không nên khóa chặt giá trần phí gửi xe mà nên để thuận mua vừa bán. Mức phí trông giữ xe ở những vị trí khác nhau có thể khác nhau. Khi đó, có thể người ta không đầu tư làm khách sạn nữa mà họ sẽ làm bãi giữ xe”, ông Tạo chia sẻ.
Với sự phát triển kinh tế thời gian qua, có thể nói việc sở hữu xe ô-tô nằm trong khả năng tài chính của rất nhiều gia đình. Số liệu của Tổng Cục Thống kê cũng cho thấy ở nước ta, cứ 1.000 người thì hiện có 55 người sở hữu ô tô. Đáng chú ý, nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, nước ta có tỷ lệ sở hữu ô tô tăng nhanh nhất thế giới. Trong giai đoạn từ năm 2015-2020, tỷ lệ này tăng tới 17%/năm. Sự gia tăng về số lượng ô tô sẽ trở thành gánh nặng đối với Hà Nội nói riêng và các đô thị ở nước ta nói riêng nếu chính quyền và các cơ quan chức năng không sớm triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp như các chuyên gia vừa nêu – xây dựng bãi đỗ xe ngầm và bãi đỗ xe trên cao.