Chuyên gia hiến kế giữ an toàn công trình đường bộ
Những vùng có rủi ro cao cần áp dụng tiêu chuẩn thiết kế cao hơn và sử dụng vật liệu bền vững chịu được tác động của môi trường, từ đó giảm thiểu tác động do thiên tai đối với công trình đường bộ.
Cần chiến lược thích ứng với thiên tai
Nhiều thiệt hại do những cơn bão, nhất là bão số 3 gây ra đối với hạ tầng giao thông đường bộ thời gian qua cho thấy, giao thông vận tải là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết khí hậu và dễ bị tổn thương trước những biến đổi của khí hậu và thiên tai khó lường.
Để giảm các tác động tiêu cực bởi thiên tai, đảm bảo an toàn cho công trình đường bộ, TS Dương Như Hùng, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần đánh giá rủi ro thiên tai từng khu vực để xác định các điểm yếu của hạ tầng, các vùng hay xảy ra sạt lở, gây thiệ hại cho công trình đường bộ và đưa ra các giải pháp phù hợp.
"Những vùng có rủi ro cao cần ấp dụng tiêu chuẩn thiết kế cao hơn và sử dụng vật liệu bền vững chịu được tác động của môi trường, từ đó giảm thiểu thiệt hại tác động của thiên tai đối với hạ tầng đường bộ", ông Hùng nói.
Trong khi đó, Th.s Vũ Anh Tuấn, Bộ môn Quy hoạch quản lý GTVT khẳng định hướng đi để giảm thiểu tác động có hại do biến đổi khí hậu, thiên tai phức tạp khó lường nằm ở chiến lược giao thông vận tải của quốc gia. Việc phát triển các chiến lược thích ứng hiệu quả đòi hỏi phải có các biện pháp phù hợp từ chính sách, đầu tư và nghiên cứu khoa học.
Nguyên lý chung là các quy định trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng phải thích ứng với điều kiện thiên nhiên ngày càng cực đoan. Vì vậy, những tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định thiết kế công trình đường bộ ngày càng phải chặt chẽ, mang tính phòng ngừa trong đầu tư xây dựng mới và khai thác vận hành công trình.
"Các công trình trọng điểm như hệ thống cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường huyết mạch thì phải hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới ứng phó, chống chọi với thiên tai. Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, chúng ta có nhiều cơ hội để chọn mức tiêu chuẩn cao hơn về kết cấu hạ tầng khai thác giao thông", ông Tuấn nói.
Ưu tiên nguồn vốn cho vùng khó khăn
GS.TS. Bùi Xuân Cậy, giảng viên cao cấp, Bộ môn Đường bộ, Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT cho rằng, mỗi cấp công trình được thiết kế với tần suất bão lũ nhất định, đường cấp I như đường cao tốc được thiết kế với tần suất lũ 1%, tương đường với tần suất lũ 100 năm. Đường quốc lộ cấp IV miền núi được thiết kế với tần suất lũ 4%, tương đương lũ 25 năm. Với siêu bão số 3 dù có chuẩn bị phòng chống tốt đến đâu cũng sẽ phải gáng chịu thiệt hại ở mức độ nhất định. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà xảy ra cả với các nước phát triển.
Để giao thông được thông suốt cần ưu tiên nguồn ngân sách phòng chống thiên tai cho các địa phương khó khăn. Công việc cụ thể phải làm kịp thời, thiết thực, hiệu quả nhất. Đảm bảo bảo hiệu quả phòng chống, khắc phục, cần rút gọn thủ tục đầu tư đối với công trình cấp bách. Để rút ngắn thời gian đầu tư, có thể cho phép chỉ định thầu.
"Trong hoàn cảnh khó khăn của cơn bão số 3, các cơ quan chức năng của Bộ GTVT đã có những giải pháp chuẩn bị sớm, vào cuộc kịp thời, đưa ra phương án, phân công, liên tục đôn đốc kiểm tra, giám sát, trực tiếp xuống chia lửa cùng địa phương xử lý hậu quả bão lũ, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Đây là kinh nghiệm quý để giảm thiểu thiệt hại trong thời gian tới", ông Cậy nói và đề xuất: "Để khắc phục nhanh chóng bền vững công trình cần ưu tiên nguồn ngân sách cho các địa phương khó khăn, rút gọn các thủ tục đầu tư, cho phép các chủ đầu tư được phép chỉ định thầu".
Ngành GTVT đang hướng đến thiết kế các công trình xanh, bền vững, nhất là đỗi với các công trình trong điều kiện địa hình miền núi khó khăn. Những công trình đào sâu, đắp cao đang được dần bằng những cây cầu cạn, điển hình là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được triển khai, nhiều đoạn đã được xây cầu cạn, khi lũ nước có thể thoát nhanh, không nằm ở sườn đồi nên không bị sạt lở.