Chuyên gia hiến kế: Kích cầu kinh tế kiểu 'đánh du kích' để tránh cú sốc

Nguồn lực và ngân sách của quốc gia không có nhiều, nên không thể kích cầu theo cách của các quốc gia phát triển như thực thi chính sách tiền trực thăng (Helicopter Drop), một chính sách tài khóa mở rộng được thực hiện bằng cách gia tăng cung tiền cho nền kinh tế vì có thể gây ra lạm phát.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM và Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, để các gói kích cầu đạt được hiệu quả cần đạt được mục tiêu gồm giải quyết các vấn đề cấp bách, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng tạo không gian mới cho phát triển kinh tế.

Cần cân nhắc tung ra một gói kích cầu toàn dân

.Ông đánh giá thế nào về các gói kích cầu đã được công bố và tính hiệu quả của nó?

+Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân: Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân cũng như phòng chống dịch bệnh với tổng mức 200.000 tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, riêng Nghị định 52/NĐ-CP đã giảm, giãn hoàn thuế cho các doanh nghiệp 115.000 tỉ đồng; Nghị định 92/NĐ-CP giảm 21.300 tỉ đồng.

Nhìn chung các gói vừa qua mang tính chất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân là chính. Qua đó để đảm bảo các yếu tố về an sinh xã hội và cũng đã mang lại một số hiệu quả giúp cho một bộ phận người dân vượt qua đoạn khó khăn trước mắt, hướng đến mục tiêu chung là không bỏ ai lại phía sau của chính phủ.

Mặc dù không thể tránh khỏi trong quá trình triển khai có một số bất cập nhất định ở một số địa phương khiến cho các gói hỗ trợ này chưa đến được tay của một số người cần.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM.

Tương tự, các gói kích cầu cũng đã giúp cho các doanh nghiệp chèo lái con thuyền của mình trong giai đoạn khó khăn này. Nhưng tính hiệu quả của các gói này nhìn chung vẫn còn hạn chế và số doanh nghiệp phải nộp đơn phá sản vẫn tiếp tục dài thêm.

Điều này không thể trách chính phủ vì ngân sách hạn hẹn và toàn hệ thống chính trị đã làm hết sức có thể. Và chúng ta cũng thấy, sự tàn phá của dịch bệnh quá nặng nề và các chính sách chỉ có thể giảm thiểu được phần nào sự ảnh hưởng.

.Có ý kiến cho rằng, gói kích cầu cần mang tính tổng thể và trúng đích để tạo sức bật cho nền kinh tế, ông nghĩ vấn đề này ra sao?

+Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi ý kiến trên cũng có phần đúng, vì các giải pháp hiện tại chỉ mang tính chất tình thế, về lâu dài, cần phải phân tích rõ tác động của Covid-19 đến nền kinh tế, điều kiện nền kinh tế để đề ra các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch cho phù hợp.

Hiện nay có nhiều tranh cãi xem gói kích cầu chiếm bao nhiêu % GDP để tạo sức bật rõ rệt. Trong những ngày qua, đọc tin tức báo chí tôi thấy có nhiều ý kiến đề xuất chính phủ nên thực hiện một gói cứu trợ cho toàn dân cho thời điểm hiện tại và tranh luận xem kích thước gói kích thích kinh tế này là bao nhiêu. Theo quan điểm của tôi, việc tung ra một gói kích cầu toàn dân ở thời điểm này là không thực sự cần thiết.

Bởi vì theo học thuyết Keynes, nhà kinh tế học hàng đầu và là người có công giúp nền kinh tế thế giới thoát khỏi cuộc đại suy thoái 1929-1933 cho rằng nền kinh tế sẽ có 4 trạng thái chính trong chu kỳ kinh tế: lạm phát, suy thoái, tăng trưởng nóng và đình lạm.

Nếu xét các yếu tố kinh tế vĩ mô hiện tại ở Việt Nam thì có thể xem như nền kinh tế có thể đang trong trạng thái thứ 4 là đình lạm, tức nền kinh tế đang đi xuống khi GDP giảm sút, sản xuất đình đốn, và vừa lạm phát khi giá cả hàng hóa gia tăng do ảnh hưởng bởi việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chí phí vận chuyển giao nhận tăng cao, dẫn đến giá cả hàng hóa tăng mạnh.

Để đối phó với nền kinh tế đình lạm như trên thì sẽ phức tạp hơn rất nhiều một nền kinh tế suy thoái hoặc lạm phát cao. Bởi nếu chính phủ tác động nhằm làm giảm yếu tố này thì lại vô tình làm yếu tố còn lại nghiêm trọng hơn.

Chẳng hạn, nếu chính phủ thực hiện gói kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng sẽ làm cho lạm phát nghiêm trọng hơn. Hoặc nếu chính phủ muốn kiềm chế lạm phát hút tiền về, lại làm cho nền kinh tế càng rơi vào tình trạng suy thoái, đình đốn.

Nên tiếp cận từ phía cung hơn là phía cầu

.Giả định bỏ qua trường hợp đình lạm như đã nêu thì hiện nay nỗi lo lạm phát trên toàn cầu đang tăng mạnh, liệu gói kích cầu có kích hoạt lạm phát trong nước cũng như tăng bội chi, tăng nợ?

+Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân: Ở trường hợp của Việt Nam hiện nay, như đã phân tích ở trên, một gói kích cầu toàn dân là thực sự không cần thiết vì nó sẽ làm cho lạm phát gia tăng, và mục tiêu giúp người dân có tiền để đối phó các nhu cầu thiết yếu mùa dịch sẽ giảm đi tác dụng, vì đồng tiền sẽ mất giá trị và mua được ít lương thực hơn bình thường.

Đối với nền kinh tế hiện tại, trước tiên chúng ta nên tiếp cận từ phía cung hơn là phía cầu. Bởi nguyên nhân chính gây ra tình trạng hiện tại là do đứt gãy chuỗi cung ứng không chỉ trong nước mà trên phạm vi toàn cầu do các ảnh hưởng của đại dịch COVID.

Điều này dẫn đến làm khan hiếm hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nền kinh tế dẫn đến giá cả gia tăng, bên cạnh đó là chi phí vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa cũng tăng lên cao kỷ lục và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng cao trong phạm vi toàn cầu, và có thể chúng ta sẽ chứng kiến một siêu chu kỳ tăng giá trong tương lai gần.

Chính vì thế, chính phủ cần đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch, mở rộng chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng về nông sản, hàng thiết yếu; có các giải pháp nhằm kết nối các chuỗi cung ứng khác nhau lại với nhau, ứng dụng công nghệ, truyền thông để liên kết và phát triển các chuỗi cung ứng, giảm giá các chi phí cơ bản như giá điện, giá nước, internet, điện thoại,...

Ngoài ra, chính phủ cũng cần có các gói hỗ trợ lãi suất cho vay, gia hạn việc trả nợ gốc và vay cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp bị ảnh hưởng do đại dịch để hỗ trợ doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Vì doanh nghiệp là nguồn sống của các cá nhân, nếu doanh nghiệp phá sản thì cá nhân cũng sẽ mất việc làm, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và gây ra các bất cập trong an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần trợ giá để bình ổn giá cho các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ hàng thiết yếu để đảm bảo giá cả được bình ổn đến tay người tiêu dùng.

Khi phía cung được giải quyết, hàng hóa dồi dào thì nguy cơ lạm phát sẽ không còn, lúc đó chính phủ có thể tính tiếp các biện pháp từ phía cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay an sinh xã hội

.Trước đây từng dùng mệnh lệnh hành chính để giảm lãi suất huy động qua đó kéo giảm lãi suất cho vay nhưng không có nhiều tác dụng. Hiện cơ quan chức năng dự định tung gói 800.000 tỉ đồng bằng cách huy động tiền trong dân qua phát hành công trái, ông suy nghĩ sao về vấn đề này?

+Tiến sĩ Phạm Công Hiệp: Việc áp dụng mệnh lệnh hành chính theo tôi là con dao hai lưỡi. Cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng giai đoạn 2009-2011 là minh chứng rõ ràng nhất cho việc này.

Chính vì thế, việc huy động 800.000 tỉ đồng trong dân có thể làm tăng lãi suất và tạo ra hiệu ứng lấn át trong kinh tế học, tức khu vực công cạnh tranh huy động nguồn vốn để chi tiêu vô tình lấn át khu vực tư mà không làm cho tổng cầu gia tăng.

 Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam.

"Tập trung đánh du kích vào đúng các đối tượng"

.Nhìn về các yếu tố kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam và xa hơn tác động kinh tế thế giới, theo ông để các gói kích cầu phát huy hiệu quả cần có phương án nào là hợp lý?

+Tiến sĩ Phạm Công Hiệp: Giải pháp hiện tại vẫn nên xuất phát từ phía cung hơn là phía cầu như đã phân tích ở trên. Sau khi cung đã bình ổn, lúc đó chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề từ phía cầu.

Các gói kích cầu nên tập trung vào các đối tượng cần thiết được hỗ trợ hơn là một gói kích cầu toàn dân. Vì như chúng ta biết là nguồn lực và ngân sách của quốc gia không có nhiều, nên không thể kích cầu theo cách của các quốc gia phát triển như chính sách tiền trực thăng (Helicopter Drop) được.

Thay vì thả nhiều tiền vào nền kinh tế có thể gây nên lạm phát thì chúng ta nên xây dựng thế trận kinh tế nhân dân, tập trung "đánh du kích" vào đúng các đối tượng cần được hỗ trợ như công nhân, người lao động, người thất nghiệp, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội để chúng ta tái cấu trúc nền kinh tế, hướng đến một nền kinh tế hiệu quả hơn và gắn liền với kinh tế số trong tương lai. Lưu ý cần tránh nóng vội phục hồi kinh tế, mà có thể gây nên những cú sốc không đáng có cho nền kinh tế như lạm phát cao hay hiện tượng lấn át của khu vực công.

Các kế hoạch phục hồi kinh tế cần phải có lộ trình và các bước đi phù hợp, để mang lại hiệu quả cao nhất và tập trung về phía cung trước, sau đó mới đưa ra các gói kích cầu phù hợp. Có như vậy thì kinh tế Việt Nam sau đại dịch mới có thể phục hồi và tăng trưởng một cách bền vững.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/chuyen-gia-hien-ke-kich-cau-kinh-te-kieu-danh-du-kich-de-tranh-cu-soc-1031707.html