Chuyên gia hiến kế kiến tạo nền kinh tế mới cho TP. HCM

Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, TP. HCM phải chuyển sang cơ cấu kinh tế mới với những nền tảng, mô hình phát triển để có thế và lực khác với hiện nay.

Cần làm mọi cách để ngăn khủng hoảng y tế không xảy ra

Tại hội thảo trực tuyến Kiến tạo nền kinh tế mới cho TP. HCM ngày 6/11, bàn về chuyện mở cửa TP. HCM trở lại, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý - Đại học Fulbright TP. HCM khẳng định: “Thành phố không thể không mở cửa, bởi đã biết cái giá phải trả của việc đóng cửa”.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Nguồn: Fulbright TP. HCM

Bài liên quan

Tiến trình mở cửa trở lại kinh tế của Đông Nam Á đang được thúc đẩy nhanh

Việt Nam đang mở cửa từng bước, dựa trên nền tảng cơ bản về kinh tế vĩ mô

Kinh tế ASEAN phục hồi mạnh mẽ, nhà đầu tư đổ xô vào tiền tệ và chứng khoán

Trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số

Theo TS. Tự Anh, TP. HCM cần mở cửa thận trọng như Singapore đang tìm cách sống chung với Covid-19. Cùng với đó, phải có sự truyền thông rõ ràng, mạch lạc để người dân, doanh nghiệp biết họ cần làm hay trông chờ điều gì. “Truyền thông giai đoạn qua chưa tốt, chính sự chưa tốt này tạo ra sự bị động, chủ quan", ông nhận định.

Đánh giá khủng hoảng y tế chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, TS. Tự Anh cho rằng khi chúng trở thành khủng hoảng kép thì hệ lụy sẽ "vô cùng ghê gớm”.

Dẫn chứng, đợt dịch Covid-19 vừa rồi khiến kinh tế TP. HCM nói riêng, Việt Nam nói chung tăng trưởng ngược. Nước ta từ tăng trưởng dương xuống âm 6,17%; còn TP. HCM từ tăng trưởng 5,7% xuống âm đến 24,4%. "Vì thế, cần làm mọi cách để ngăn cho khủng hoảng y tế không xảy ra", TS. Tự Anh nhấn mạnh.

Theo ông, cuộc khủng hoảng trên không chỉ để lại hệ lụy về vật chất, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, tổn thương sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân…

Trong khi đó, TP. HCM đóng vai trò trung tâm của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Khi thành phố bị đứt gãy hay chịu bất cứ tổn thương nào, các địa phương lân cận cũng sẽ thiệt hại rất lớn.

TP. HCM phải tự mình chuyển sang cơ cấu kinh tế mới

Bàn về nền kinh tế mới của TP. HCM, TS. Tự Anh cho rằng chúng ta phải mạnh dạn từ bỏ một số thứ đã quen thuộc. Cụ thể là loạt các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến không tạo ra được giá trị gia tăng cao.

“Nói là phải dũng cảm từ bỏ vì giờ nó vẫn đang tốt, vẫn đóng góp khoảng 30% GDP, tạo ra rất nhiều lao động. Tất nhiên không phải bỏ ngang, mà phải có lộ trình. Nhưng phải nhìn thấy chúng ta không nên giữ nó vì tương lai sẽ lạc hậu”, TS. Tự Anh phân tích.

Ví các doanh nghiệp là "của báu trong nhà", TS. Tự Anh cho rằng cần tạo điều kiện thông thoáng để họ phát triển, vực dậy nền kinh tế của thành phố.

Ảnh minh họa

Cùng với đó, Giám đốc Đại học Fulbright TP. HCM nhấn mạnh vai trò của việc chỉnh trang đô thị. Ông cho rằng, nếu thành phố không có chiến lược cải tạo đô thị, vẫn còn những nơi có mật độ cư dân chật chội, điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế kém… thì sẽ tiếp tục là nạn nhân của đợt dịch mới.

“Đây cũng sẽ là điểm nóng của dịch nếu như dịch bệnh xảy ra trong thời gian tới”, TS. Tự Anh nhận định.

Theo ông, bài toán của TP. HCM còn ở việc bị "kẹp giữa" khi các địa phương khác đang sắp bắt kịp và khoảng cách giữa TP. HCM với các thành phố hàng đầu thế giới lại bị kéo dãn ra. Nếu không bứt phá, đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ dễ bị tụt hậu.

Bên cạnh đó, TS. Tự Anh cho rằng TP. HCM không thể chỉ đi một mình, sự phát triển của thành phố còn phụ thuộc vào các tỉnh lân cận. Bởi, theo nguyên tắc, trung tâm là nơi hội tụ của vùng xung quanh.

"TP. HCM cần hợp tác với các địa phương khác về chiến lược phát triển. Vì thế, thành phố không nên cạnh tranh về cảng biển với Bà Rịa - Vũng Tàu; không nên cạnh tranh về sân bay với Đồng Nai; không nên cạnh tranh về công nghiệp chế tạo với Long An", TS. Tự Anh chỉ ra.

Đối với tỉ lệ ngân sách 18% thành phố được giữ lại, TS. Tự Anh cho rằng con số này quá thấp, khiến TP. HCM không còn là động lực phát triển. Từ đó, dẫn đến mức độ hội tụ của các địa phương khác vào thành phố cũng trở nên thấp hơn.

"TP. HCM cần được phân bổ nguồn lực lớn hơn, nhưng không nên ỉ lại vào những đầu tư về cơ chế hay nguồn lực đó, mà phải tự mình chuyển sang cơ cấu kinh tế mới với những nền tảng, mô hình phát triển mới, có thế và lực khác với hiện nay", Giám đốc Đại học Fulbright TP. HCM nêu ý kiến.

Song, trước những thách thức đã chỉ ra, ông cho rằng TP. HCM có 2 điều để tự tin hơn, chính là sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn rất nhiều so với trước đây và đã được đầu tư về mặt vaccine, y tế.

“Chúng ta đã có vị thế khác, sự chuẩn bị khác. Tôi tin với tốc độ tiêm vaccine như hiện nay trong vòng 2 tháng nữa chúng ta sẽ đạt được độ phủ tương đối, không chỉ cho TP. HCM mà trên cả nước. Cùng với đó là sự học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác”, TS. Tự Anh nói.

Ông cho biết, thành phố đã có lộ trình phát triển cho giai đoạn năm 2022 - 2025 và sẽ được công bố trong thời gian gần đây.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-hien-ke-kien-tao-nen-kinh-te-moi-cho-tp-hcm-post165464.html