Chuyên gia 'hiến kế' phát triển Hội An - Thành phố sáng tạo toàn cầu
Tại hội thảo 'Chính sách, nguồn lực xây dựng và phát triển Hội An thành phố sáng tạo toàn cầu', nhiều kinh nghiệm, giải pháp đã được chia sẻ nhằm xây dựng kế hoạch quảng bá, định vị thương hiệu và phát triển Hội An - Thành phố sáng tạo toàn cầu.
Ngày 14/6, tại hội thảo “Chính sách, nguồn lực xây dựng và phát triển Hội An thành phố sáng tạo toàn cầu”, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An - cho biết, hội thảo nhằm mục đích thu thập, lĩnh hội những ý kiến, góp ý sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận và đánh giá toàn diện về vai trò, nguồn lực, chính sách mà Hội An có thể huy động để thực hiện các cam kết trong quá trình gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Đặc biệt, hội thảo cũng hướng đến tìm kiếm các giải pháp nhằm thu hút sự tham gia của giới trẻ, tạo ra các diễn đàn, xu hướng, bồi dưỡng, phát triển tài năng trên các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, tổ chức các sự kiện, ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá giới thiệu nghệ thuật dân gian và sản phẩm nghề thủ công nhằm tăng thêm giá trị và chỗ đứng trong bối cảnh đương đại.
Ưu tiên chuyển đổi số
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều tham luận về các giải pháp để bảo tồn, phát triển văn hóa cũng như thúc đẩy phát triển lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian...
Trong đó, các nội dung đáng chú ý như: "Định hướng chiến lược bảo tồn phát huy đô thị sáng tạo Hội An", "Hợp tác quốc tế: Lợi thế và những bước tiếp theo của Hội An trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO", "Vai trò các bên liên quan trong xây dựng, phát triển Hội An thành phố sáng tạo", "Để Hội An thực sự cất cánh như một thành phố sáng tạo"...
Theo Ths. Trần Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong bối cảnh hậu công nghiệp và sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và cách mạng 4.0 trên thế giới, Hội An cần đặt ưu tiên chính sách vào chuyển đổi số, hình thành cơ sở dữ liệu và thiết lập hệ thống bảo vệ quyền tác giả thông qua đó đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để tăng cường ảnh hưởng, mở rộng thị trường.
Đồng thời cần xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu về các thiết chế văn hóa, loại hình sáng tạo trong đó có thủ công và nghệ thuật dân gian nhằm tạo nền tảng quan trọng xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về công nghiệp văn hóa nói chung và dữ liệu phục vụ việc tham gia hiệu quả vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; lập bản đồ các lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo, định kỳ cập nhật dữ liệu, kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia và quốc tế.
Dẫn chứng kinh nghiệm từ 2 thành phố Chiang Mai (Thái Lan) và Jeonju (Hàn Quốc), PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia đã gợi mở cho Hội An 6 sáng kiến cam kết với mạng lưới các thành phố sáng tạo trong giai đoạn 2023-2027.
Trong đó, đáng chú ý là “Dự án Sáng tạo Hội An qua môi trường công nghệ số” sẽ vận hành như một tấm gương phản chiếu tài sản văn hóa và sáng tạo của thành phố; là không gian quảng bá, kết nối ý tưởng và tăng sự tiếp cận, thụ hưởng văn hóa và sáng tạo cho mọi công dân của Hội An.
Cụ thể, dự án sẽ nâng cấp 2 website liên quan đến lĩnh vực văn hóa, sáng tạo của thành phố để mang tính tương tác hơn, cập nhật và đảm bảo tính mỹ thuật hơn, tăng cường chia sẻ thông tin về các sáng kiến, cơ chế, kiến thức và kinh nghiệm trong xây dựng thành phố sáng tạo.
Hiện nay, Hội An đã tích hợp thông tin, hình ảnh khu phố cổ, di tích, làng nghề trên nền tảng Metaverse. Ở giai đoạn tiếp theo, Hội An đề xuất ý tưởng tích hợp thông tin và hình ảnh các cơ sở thủ công, không gian sáng tạo, hoạt động nghệ thuật dân gian và các lĩnh vực sáng tạo liên quan trên địa bàn thành phố lên nền tảng này. Đây là nơi mà người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và tra cứu thông tin về các không gian sáng tạo, các tài sản văn hóa và sáng tạo của Hội An một cách trực quan nhất; từ đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá về mạng lưới sâu rộng hơn đến công chúng.
“Nền tảng Metaverse cũng cung cấp các không gian ảo về biểu diễn nghệ thuật dân gian và cửa hàng trưng bày sản phẩm thủ công để mang đến người dùng những trải nghiệm chân thật; từ đó kích thích nhu cầu thưởng thức, tiêu dùng, phát triển đầu ra cho các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo; tạo động lực cho các doanh nghiệp sáng tạo, chuyên gia, nghệ sĩ đẩy mạnh quá trình đầu tư sản xuất và sáng tạo các sản phẩm có chất lượng, thẩm mỹ cao”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.
Hướng tới trở thành thành phố bền vững
Phát biểu tham luận tại hội thảo, TS. Phạm Việt Anh, Cố vấn bền vững, ESG-S cho rằng, không chỉ là mục tiêu thành phố thông minh, để phát triển bền vững Hội An cùng lúc cần tích hợp cả bốn mục tiêu đô thị lớn hơn để phù hợp với đòi hỏi mới, tầm nhìn 2050, đó là: Thành phố bền vững cân nhắc về môi trường vào cơ cấu cuộc sống đô thị.
Thành phố kiên cường - Net Zero được xây dựng để chống chọi với các thách thức, có khả năng thích ứng và phục hồi sau những cú sốc khí hậu, suy thoái kinh tế và gián đoạn xã hội.
Thành phố thông minh tận dụng các giải pháp kỹ thuật số, công nghệ để tối ưu hóa mọi thứ từ lưu lượng giao thông đến quản lý chất thải, nâng cao hiệu quả và tính bền vững, quản trị công hiệu quả.
Thành phố chia sẻ - Một trong những nhân tố quan trọng hình thành nên thành phố bền vững. Việc chia sẻ với người khác vật dụng không sử dụng thường xuyên rất hữu ích giúp giảm thiểu rác thải, giảm dần khai thác tài nguyên thiên nhiên và tránh lãnh phí. Nền kinh tế chia sẻ, nền kinh tế ngang hàng hoặc tiêu dùng hợp tác đều có thể áp dụng hiệu quả vào quan hệ đối tác công tư, liên doanh thương mại đến các chương trình của chính quyền địa phương.