Chuyên gia hiến kế tận dụng 'cơ hội vàng' để xuất khẩu gạo

Giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây, thêm vào đó là sự thiếu hụt nguồn cung do những tác động tiêu cực của khí hậu. Đây chính là thời điểm mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: 'Thời cơ đã đến và không chờ đợi chúng ta, cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo'.

Xuất khẩu gạo năm nay dự báo đạt kỷ lục 4 tỷ USD

Tại cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình xuất khẩu gạo diễn ra ngày 6/7 qua, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nhận định, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.

Đại diện Cục cũng thông tin, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường đều tăng trưởng từ 2-3 con số. Ngoài ra, một số thị trường mới như Indonesia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal,... đều ghi nhận mức tăng đột biến từ 1.147-15.972% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,2 triệu tấn gạo, đạt hơn 4 tỷ USD, mức kỷ lục lịch sử.

Nguồn: Mai Trang tổng hợp

Nguồn: Mai Trang tổng hợp

Giá gạo toàn cầu hiện nay đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua. Tuy nhiên đà tăng chưa dừng lại khi tại Ấn Độ, hiện tượng thời tiết El Nino đang đe dọa năng suất của các nhà sản xuất chính và các mặt hàng chủ lực thay thế đang trở nên đắt đỏ hơn tại khu vực châu Á và châu Phi (theo Reuters).

Đánh giá về thị trường xuất khẩu gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Thị trường Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt từ khi mở cửa sau dịch COVID-19. Indonesia bắt đầu nhập khẩu gạo trở lại nên xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này có mức tăng trưởng mạnh trên 1.498%.

Hiện xuất khẩu gạo đang thuận lợi, đặc biệt cuối năm bởi các thị trường lớn vẫn mua mạnh như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… Điển hình Indonesia tiếp tục mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu trong thời gian tới. Điều này sẽ làm cho giá gạo các nước sẽ tăng, ít nhất là không giảm, bà Tâm nhận định.

Nhận định chung về thị trường thế giới, theo ông Lê Thanh Hòa, thương mại gạo toàn cầu năm 2023 giảm 275.000 tấn xuống còn 55,4 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu giảm tại Argentina, Brazil, Myanmar, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ được bù đắp bởi các lô hàng tăng từ Australia, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Trong khi đó, tại khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn tại thị trường Philippines do khách hàng đã quen với chất lượng gạo Việt và gạo Việt Nam có lợi thế về logistics hơn so với các nguồn cung khác. Bên cạnh đó nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia tăng trở lại; Trung Quốc đã mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm.

Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam được nâng lên do xuất khẩu sang Philippines, Trung Quốc và Indonesia cao hơn dự kiến, ông Lê Thanh Hòa cho hay.

Chia sẻ với phóng viên, PGS TS Nguyễn Thường Lạng, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Việc giá gạo tăng cao là tín hiệu tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam đề tạo mặt bằng giá mới mà trong thời gian dài chỉ bán ở mức giá thấp.

Nếu dự trữ gạo đủ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia thì đẩy mạnh xuất khẩu là cách tận dụng cơ hội. Có thể dự báo triển vọng vụ mùa tới ko bị tác động bất lợi lớn, nghĩa là có khả năng được mùa thì xuất khẩu thời điểm này sẽ tốt hơn so với thời điểm giá thấp. Việt Nam cần nhân cơ hội này để phát triển thương hiệu gạo Việt Nam trên toàn cầu”.

 PGS.TS Nguyễn Thường Lạng. Ảnh: Haiquanonline

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng. Ảnh: Haiquanonline

Đề xuất một vài giải pháp, vị chuyên gia cho hay, nguồn cung phải liên tục được đầu tư, phát triển để tạo giống gạo chất lượng cao, thậm chí tạo giống gạo mới đứng hàng đầu thế giới như năm 2019 (giống gạo ST 25 do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo, được công nhận là giống gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức ở Manila (Philippines). Các mô hình xuất khẩu và trồng lúa năng suất cao, bền vững cần được phát triển không ngừng. Bên cạnh đó, chính sách xuất khẩu gạo sẽ cần điều chỉnh theo Chiến lược xuất khẩu hàng hóa Việt Nam 2021-2030 để đạt hiệu quả cao hơn. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành gạo cũng cần được phát triển để giảm lãng phí nguồn nước, đất đai, lao động và nguồn vốn. Cần tiến tới hệ sinh thái ngành gạo Việt Nam với cấp cao, hướng tới phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050”.

Dù phải tranh thủ tận dụng thời cơ khi giá tăng, thế nhưng ông Lạng vẫn lưu ý rằng, các doanh nghiệp cần tránh rủi ro bằng cách tham vấn thêm ý kiến của Hiệp hội lương thực, có kiến thức về nguồn cung và dự trữ, dự báo toàn cầu để tự tin hơn trong đẩy mạnh xuất khẩu. “Nếu không tận dụng cơ hội sẽ qua đi và điều này đã từng xảy ra rồi. Lúc giá tăng không đẩy nhanh xuất khẩu sau đó giá giảm và cơ hội tăng giá qua rất nhanh” - vị chuyên gia nhấn mạnh.

Lãi suất cao có thể khiến doanh nghiệp 'rón rén' thu mua

Mặc dù ngành lúa gạo Việt Nam đang gặp thuận lợi về giá và các hợp đồng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp muốn thu mua lúa gạo trong dân để dự trữ, vận hành chuỗi xuất khẩu tốt, mang lại lợi thế cho hạt gạo Việt Nam cũng cần nguồn vốn để thực hiện kế hoạch và chủ trương của Bộ NN&PTNT.

Trao đổi với báo chí về nhu cầu vốn cho sản xuất, xuất khẩu gạo, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long cho biết, doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn trung - dài hạn chưa được nhiều, chủ yếu vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Đại diện doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư dài hạn. Vì bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng, sản xuất, thu mua đến sấy, bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

Với vốn ngắn hạn, ông Trương Sỹ Bá cho rằng, các ngân hàng nên có chính sách kịp thời cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi khi vào vụ thu hoạch mà lãi suất cao thì doanh nghiệp sẽ “rón rén” trong thu mua. Nếu lãi suất hợp lý thì doanh nghiệp sẽ hành động mạnh dạn, hành động sớm hơn trong thu mua. “Lãi suất là rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong hành động thu mua”, ông Trương Sỹ Bá nhấn mạnh.

Ghi nhận các ý kiến từ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.

Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương luôn theo sát tình hình thị trường, đồng thời chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại và thông báo các diễn biến kịp thời về tình hình thị trường cho hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đã có đề xuất Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để các doanh nghiệp đủ năng lực thu mua lúa gạo phục vụ cho xuất khẩu trong năm 2023.

Trước nhu cầu thế giới về gạo đang cao, trong khi các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ sớm làm việc với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác để có cuộc họp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường hiện nay.

Cùng với đó là tìm ra các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030, cũng như Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-gia-hien-ke-tan-dung-co-hoi-vang-de-xuat-khau-gao.html