Chuyên gia 'hiến kế' tránh lãng phí trong đầu tư công

Theo dõi phiên chất vấn liên quan đến lĩnh vực đầu tư công tại kỳ họp Quốc hội, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, lãng phí trong đầu tư công là vấn đề nan giải, đã đến lúc cần những biện pháp tiên quyết để hạn chế đến mức thấp nhất lãng phí trong lĩnh vực này.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra với nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Phiên chất vấn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước, đặc biệt là về vấn đề đầu tư công. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực kinh tế tổng hợp, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đặt câu hỏi về sự mâu thuẫn giữa Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công trong quy định về nguồn vốn sử dụng cho mua sắm trang thiết bị. Theo Luật Ngân sách nhà nước, chi thường xuyên ngân sách nhà nước có thể được sử dụng để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của bộ máy. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công lại quy định rằng các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp... đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Theo đại biểu, việc này dẫn tới chồng lấn với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật chuyên ngành khác trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp để giải quyết.

 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải đáp thắc mắc của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực đầu tư công. Ảnh Quochoi.vn.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải đáp thắc mắc của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực đầu tư công. Ảnh Quochoi.vn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, định mức xây dựng với công trình giao thông và công trình kiến trúc đang được kiểm soát chặt chẽ và được thực tế kiểm nghiệm qua hàng chục năm và rất nhiều công trình. Lãng phí ở đầu tư công, không phải do định mức mà nằm ở quá trình triển khai như ăn bớt khối lượng, chất lượng hoặc để thời gian thực hiện quá dài, lãng phí không đưa vào sản xuất, sử dụng, thiếu vốn, hay vốn chờ thủ tục.

Giải trình làm rõ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vướng mắc trong vấn đề này có thể không xuất phát từ Luật Đầu tư công, mà có vướng ở luật Ngân sách nhà nước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc sửa chữa, nâng cấp các dự án tài sản công hiện triển khai bình thường, không vướng mắc, chỉ dự án xây mới thì phải thực hiện quy trình theo luật đầu tư công. Ông cho hay, Chính phủ đang trình Quốc hội, việc dự án dưới 15 tỷ đồng thì được thực hiện theo chi thường xuyên.

Đối với nội dung về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, có thể thất thoát từ khâu chọn dự án, tức "cái cần làm trước, cái chưa cần làm thì lại làm". Ngoài ra, quy mô dự án được xây dựng, làm ở cấp thấp, rồi sau đó lại mở rộng, nâng cấp nên tốn thêm kinh phí bổ sung. Ví dụ, hiện nhiều cao tốc xây dựng hai làn, giờ mở rộng thì rất tốn kém.

Tại phiên chất vấn, trả lời đại biểu Hà Đức Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai về việc triển khai thực hiện dự án đầu tư công chậm do phải thực hiện xong phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì mới triển khai thực hiện được dự án, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính nhất là phần về chuẩn bị đầu tư gồm từ chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định thiết kế, dự toán, lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Đây là những khâu có thể nói là kéo dài nhất và làm cho vốn đầu tư công không giải ngân được, làm ứ đọng ngân sách gây ra lãng phí. Do đó, cần có giải pháp để rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục hành chính những khâu này.

Đồng thời, đối với vấn đề giải phóng mặt cần phải tách ra khỏi dự án, xem như là một dự án đầu tư. Bởi vì giải phóng mặt bằng sẽ kéo dài rất lâu. Muốn giải phóng mặt bằng được thì phải có bản vẽ thi công và phải đóng mốc, phải trích lục địa chính, thành lập hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, phải kiểm kê, xây dựng đơn giá, áp giá, phê duyệt, thu hồi đất, v.v. rất nhiều thủ tục. Do đó, nếu giải phóng mặt bằng đi trước một bước sẽ tiến hành nhanh hơn các dự án.

Bên cạnh đó, vốn cho chuẩn bị đầu tư không nên trói vào trong Luật Đầu tư mà nên dùng chi thường xuyên để giao cho chính quyền địa phương và các bộ ngành lập dự án đầu tư cần thiết. Khi có đầy đủ dự án đầu tư sẽ bố trí kế hoạch đầu tư công, như vậy sẽ triển khai dự án được một cách nhanh hơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Cần những biện pháp tiên quyết để hạn chế lãng phí trong đầu tư công

Về việc chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công hiện nay, TS.Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, nhận diện đúng vướng mắc và có đề xuất giải pháp phù hợp.

TS. Trần Đình Cung cho rằng trong giải phóng mặt bằng tái định cư là một trong những vướng mắc của giải ngân đầu tư công. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ rõ và giải pháp được đưa ra cũng rất phù hợp. Đó là phải tách giải phóng mặt, tái định cư thành dự án riêng ra khỏi dự án đầu tư. Hiện nay Luật chưa cho phép điều đó. Do đó, thời gian qua, Quốc hội đã phải ban hành nghị quyết để cho phép thí điểm thực hiện vấn đề này ở một số dự án như dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô và một số dự án đường cao tốc khác.

Tuy nhiên, về lâu dài để khắc phục vướng mắc trong thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công cần phải sửa luật để cho phép tách hạng mục giải phóng mặt bằng, tái định cư thành một dự án độc lập và phải được thực hiện trước. Nếu làm được điều này sẽ giải quyết thêm được nhiều vấn đề khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính nhất là phần về chuẩn bị đầu tư. Tôi cho rằng cần phải tách khâu chuẩn bị dự án đầu tư ra khỏi quy trình đầu công. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan có thẩm quyền. Việc chuẩn bị đầu tư không nên tạo ra áp lực để buộc phải đưa dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn khi chưa đủ chất lượng.

 TS.Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế. Ảnh Quochoi.vn.

TS.Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế. Ảnh Quochoi.vn.

Theo dõi phiên chất vấn, đặc biệt quan tâm đến vấn đề lãng phí trong đầu tư công, TS.Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian dài, đầu tư công gặp phải nhiều vấn đề như tham nhũng, lãng phí, chậm tiến độ. Về vấn đề này, chúng ta đã có nhiều cơ chế, chính sách, đặc biệt là đã có Luật Đầu tư công, Luật cũng liên tiếp được xem xét, sửa đổi, điều chỉnh, hoàn thiện, để ngăn chặn được những hiện tượng tiêu cực, lãng phí xảy ra trong đầu tư công.

Chia sẻ trên Quochoi.vn, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, lãng phí trong đầu tư công là vấn đề nan giải, đã đến lúc cần những biện pháp tiên quyết để hạn chế đến mức thấp nhất lãng phí trong đầu tư công. Cùng với đó, cần xem xét kỹ quyền, trách nhiệm trong quản lý về đầu tư công, trong đó có việc sử dụng một cách tiết kiệm các nguồn lực, ngăn chặn lãng phí và đặc biệt là chống tham nhũng.

Vừa qua, các vụ án liên quan đến tham nhũng trong đầu tư công đã đươc điều tra xét xử một cách mạnh mẽ, nghiêm minh, tuy nhiên gần như chưa có ví dụ nào trừng phạt việc lãng phí trong đầu tư công. Một đặc điểm cần quan tâm liên quan đến lãng phí trong đầu tư công, đó là quy trình thủ tục và trách nhiệm trong đầu tư công hiện nay đang rườm rà, phức tạp và không rõ ràng, nên quy trách nhiệm về vấn đề lãng phí, hoặc lượng hóa lãng phí để quy trách nhiệm là việc rất khó khăn. TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là một trọng tâm cần xử lý, bên cạnh vấn đề tăng tốc giải ngân đầu tư công, cần hết sức quan tâm đến chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công.

Trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, có nguyên nhân khách quan như đại dịch, suy thoái kinh tế toàn cầu, các hoạt động thương mại thế giới đã chậm đi rất nhiều, hoặc những xung đột địa chính trị. Chúng ta đã có những gói hỗ trợ kinh tế, về mặt tài khóa thì có miễn giảm thuế, giảm tiền thuê đất, hoặc liên quan đến ưu đãi tín dụng… Trong phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu vấn đề và đề nghị làm rõ nhiều nội dung trong việc sử dụng gói tín dụng ưu đãi này.

Những chính sách đưa ra là hoàn toàn hợp lý, phù hợp, tuy nhiên, trong thực tế triển khai, thường xuyên có vướng mắc. Tuy nhiên, hiệu quả công tác này còn bị cản trở về quy trình, thủ tục, do đây là nguồn lực tài chính nhà nước, nên quy trình thủ tục tương đối rắc rối, phức tạp, không khả thi. Đó chính là lý do khiến gói chính sách không triển khai được, hoặc triển khai rất chậm, dù có mục tiêu đúng đắn, phương thức đúng đắn, nguồn lực sẵn sàng.

Bên cạnh đó, TS.Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, một số gói khi thiết kế đã bị thay đổi theo hoàn cảnh, nên mục tiêu cũng có sự thay đổi nhất định, dẫn đến chậm trong quá trình triển khai. Ví dụ tiêu biểu là gói hỗ trợ 2% lãi suất, trong suốt gần 2 năm chỉ thực hiện giải ngân được rất ít. Vướng mắc ở đây không chỉ liên quan đến quy trình thủ tục, mà dường như động lực thực hiện chính sách đã có sự thay đổi nhất định.

Ngoài ra, trong việc điều hành các gói hỗ trợ chính sách, tuy thực hiện bằng nguồn lực ngân sách nhà nước, nhưng ta lại áp dụng trong nền kinh tế thị trường, do đó, TS.Vũ Đình Ánh cho rằng cần quan tâm đến tác động, vận hành của chính sách, trong đó có liên quan đến sự vận hành của cơ chế thị trường trong nền kinh tế Việt Nam, có như vậy thì mới phát huy được hiệu quả, đạt được mục tiêu mong muốn về tốc độ giải ngân, tạo được chuyển biến tức thời trong nền kinh tế.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-gia-hien-ke-tranh-lang-phi-trong-dau-tu-cong.html