Chuyên gia hướng dẫn cách loại bỏ chất Styren trong nước sinh hoạt nhiễm bẩn

Theo chuyên gia của Viện Công nghệ Môi trường Việt Nam, người dân hoàn toàn có thể loại bỏ được chất Styren trong nước một cách đơn giản.

Nước sinh hoạt nhiều quận tại Hà Nội nhiễm Styren vượt ngưỡng cho phép

Liên quan đến vụ ô nhiễm nước sinh hoạt tại một số quận nội thành của Hà Nội khiến hàng loạt hộ dân hoang mang, lo lắng. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (thuộc Sở Y tế Hà Nội) đã lấy nhiều mẫu nước tại nhiều vị trí khác nhau để xét nghiệm.

Căn cứ vào kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Thành phố xác định: Các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren vượt quá quy định. Cụ thể, theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren được quy định tối đa 20 microgram/lít.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về nguyên nhân nước sinh hoạt tại một số quận nội thành Hà Nội có mùi bất thường.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thông tin về nguyên nhân nước sinh hoạt tại một số quận nội thành Hà Nội có mùi bất thường.

Tuy nhiên, các mẫu nước xét nghiệm cho thấy hàm lượng cao hơn quy chuẩn Việt Nam từ 1,3-3,65 lần. Do đó, UBND TP. Hà Nội có khuyến cáo người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống.

Loại bỏ chất Styren bằng cách nào?

Thạc sĩ Vũ Văn Tú - Phòng phân tích Chất lượng Môi trường (Viện Công nghệ Môi trường Việt Nam) cho biết, Styren là chất hữu cơ độc hại, nhẹ hơn nước, không tan trong nước.

Styren có công thức hóa học là C6H5CH=CH2. Đây là chất được dùng để sản xuất polystyren và nhiều polyme khác (cụ thể là các sản phẩm như hộp xốp đựng thức ăn, cao su, chất dẻo...). Đặc biệt, chất này thường được sử dụng để tẩy rửa động cơ, làm sạch dầu thải, dung môi pha chế sơn.

Theo chuyên gia, để tiêu hủy Styren có trong dầu nhớt thải cần sử dụng lò đốt đặc biệt, nhiệt độ rất cao và phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Theo chuyên gia, người dân hoàn toàn có thể loại bỏ Styren trong nước sinh hoạt bằng các thiết bị lọc có chứa than hoạt tính (Ảnh: TL)

Theo chuyên gia, người dân hoàn toàn có thể loại bỏ Styren trong nước sinh hoạt bằng các thiết bị lọc có chứa than hoạt tính (Ảnh: TL)

Trước thông tin nguồn nước sinh hoạt có hàm lượng Styren vượt quá mức quy định, Thạc sĩ Tú cho rằng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì có thể xử lý, lọc Styren trong nước sinh hoạt bằng than hoạt tính.

"Mọi người nên sử dụng các thiết bị, cột lọc có chứa than hoạt tính để loại bỏ Styren trong nước sinh hoạt sử dụng hàng ngày", Thạc sĩ Tú nói.

Trước đó, nhiều hộ dân trên địa bàn Hà Nội tại các quận như Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai… (TP. Hà Nội) hoang mang, lo lắng vì nguồn nước do Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cung cấp có "mùi lạ".

Sau khi đoàn liên ngành gồm Sở Xây dựng, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra và có kết quả giám định xác định "mùi lạ" có trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra.

Đoàn kiểm tra cũng xác định, khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh (Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) có dấu hiệu đổ trộm dầu nhớt thải. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy).

Một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) phát hiện việc này nhưng không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội.

Công ty Viwasupco cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để như vậy khiến váng dầu này chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/chuyen-gia-huong-dan-cach-loai-bo-chat-styren-trong-nuoc-sinh-hoat-nhiem-ban-d149035.html