Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58: Vật lộn với tin giả
Theo TS Lê Ngọc Sơn, từ vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 mới thấy khuôn mặt đạo đức của nạn tin giả xấu xí và bất nhân làm sao. 'Cần lên án mạnh mẽ và ràng buộc bởi những chế tài pháp luật đủ sức răn đe, nắn chỉnh những hành vi xấu xí này', TS. Lê Ngọc Sơn cho hay.
Đã 7 ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58 ở Quảng Ninh, dư luận vẫn dành sự quan tâm, bàn luận. Số đông chia ra nhiều luồng ý kiến, người xót xa, tiếc thương, người đổ lỗi các nạn nhân đi du lịch bất chấp cảnh báo thời tiết. Không những vậy, khán giả vật lộn giữa sự bủa vây của tin giả - tin thật. Không ít người phẫn nộ khi khóc nhầm, thương nhầm nạn nhân hư cấu từ thảm họa.
Sự xấu xí của nạn tin giả
Từ Đức, TS. Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hãng Quản trị Berlin Crisis Solutions - BCS (CHLB Đức) - cho rằng dư luận thể hiện sự tiếc thương, luận bàn về thảm họa là điều dễ hiểu, đặc biệt đây lại là thảm họa lớn cướp đi nhiều nhân mạng.
“Quan sát các diễn ngôn và tranh luận trên không gian mạng, tôi thấy có một đặc điểm đáng chú ý là tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân. Trong cuộc sống, không một ai muốn đưa mình vào hoàn cảnh nguy hiểm, tai ương cả. Nhưng rồi chúng ta vẫn phải chấp nhận một điều, nhiều khi sự bất hạnh chiến thắng chúng ta trong những tình huống bất ngờ nhất. Trong những sự cố như vụ lật tàu này, với quá nhiều biến số bất định, bất cứ ai trong chúng ta đều có thể là nạn nhân”, TS. Lê Ngọc Sơn nói.

Hàng loạt câu chuyện được AI "sáng tác" thu hút hàng nghìn lượt bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội gây nhiễu loạn thông tin.
“Tôi cho rằng sau các thảm họa như vụ lật tàu Vịnh Xanh, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, từ chủ tàu đến các cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm soát chất lượng kỹ thuật... Đây là cơ hội để rút ra các bài học, bởi trong các thảm họa có sự đan xen phức hợp giữa các yếu tố thiên tai lẫn nhân tai thì truy nguyên vấn đề không bao giờ là việc dễ dàng. Nếu có những sai sót để dẫn đến thảm họa này, cần phải xử lý nghiêm minh và triệt để”, chuyên gia nhấn mạnh.
Về tình trạng nhiều trang tin, người dùng Facebook sử dụng AI tạo ra những câu chuyện, video có phần hư cấu nhằm câu view, chuyên gia nhận định đây là một bước phát triển mới của tình trạng phát tán tin giả.
Theo chuyên gia, nạn tin giả xuất hiện ở nước ta từ lâu, và đặt ra những thách thức lớn về mặt quản trị xã hội. Nhưng kể từ khi bùng nổ các công nghệ AI, tin giả như “một vườn cỏ dại được tưới tắm và rải đạm”.
Với nhiều động cơ khác nhau, tin giả cứ thế được gieo rắc, nhân bản và hoành hành. Một trong những động cơ chính là câu view, từ đó đoạt lợi (trực tiếp hay gián tiếp). Trong khi năng lực tiếp nhận và phân định sự thật - giả của phần đông công chúng còn hạn chế, sự bùng phát của tin giả với sự hỗ trợ của AI đã, đang và sẽ gây ra cho xã hội những hệ lụy lớn nếu thiếu vắng các chế tài đủ mạnh.
“Trong các sự kiện như vụ lật tàu, nhìn khuôn mặt đạo đức của nạn tin giả, mới thấy xấu xí làm sao, bất nhân làm sao. Nhân danh lòng trắc ẩn, thương xót, thậm chí là đạo lý để trục lợi ngầm một cách vô đạo sau những tin giả. Cần lên án mạnh mẽ và ràng buộc bởi những chế tài pháp luật đủ sức răn đe, nắn chỉnh những hành vi xấu xí này”, TS. Lê Ngọc Sơn cho hay.
Thấy gì từ hiện tượng ‘tay nhanh hơn não’?
Từ thực trạng trên, TS. Lê Ngọc Sơn cho rằng AI đang đặt ra những bài toán đối với xã hội ở tất cả các quốc gia, không chỉ ở một ngành, mà ở mọi ngành, không chỉ ở câu chuyện tin giả tin thật, mà còn cả khía cạnh sinh tồn của con người... Tuy nhiên, con người không sợ sự phát triển của công nghệ, điều con người nên sợ là sự thụt lùi của nhân tâm, sự tha hóa các chuẩn mực cần có ở tầm mức cá nhân lẫn tầm mức xã hội.

TS. Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hãng Quản trị Berlin Crisis Solutions - BCS (CHLB Đức), thành viên nhóm Nghiên cứu Quốc tế về Truyền thông về Khủng hoảng, thuộc ĐH Tổng hợp Kỹ thuật Ilmenau, CHLB Đức. Ảnh: NVCC.
“Theo nguyên lý tâm lý học, thường con người khi tham gia vào những đám đông (hữu hình hay trên mạng) thì có xu hướng ít trọng lý tính, nghiêng về cảm tính và cảm xúc nhiều hơn. Thế nên khi đối diện với các thông tin liên quan đến những vụ tai nạn thảm khốc, càng khuyếch đại đặc tính chuộng cảm tính và dẫn đến hiện tượng nhiều người gọi là ‘tay nhanh hơn não’, là vậy! Và nếu việc đưa tin giả ảnh hưởng đến xã hội, cũng cần bị xử lý, nhất là với các KOLs, họ lại càng cần phải ý thức được tác động trong mỗi chia sẻ của mình”, chuyên gia nói.
Để ngăn chặn tình trạng lan truyền tin giả, lạm dụng các tính năng trên mạng xã hội trước những vụ việc tương tự, TS. Lê Ngọc Sơn cho rằng mỗi cá nhân cần ý thức được tác động của mỗi bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội cũng như hậu quả có thể xảy ra để không vô tình hay hữu ý khi tham gia vào những đám đông online vô minh.
“Không tham gia các đám đông cuồng nộ trên mạng xã hội để tấn công ai đó khi mà ta không biết được chính xác bối cảnh câu chuyện, khi mà ta không có cơ hội đối soát thông tin. Và các cá nhân cũng cần lên tiếng tẩy chay những KOLs lan truyền thông tin sai sự thật”, chuyên gia nói.
Chuyên gia nhận định các chế tài pháp luật của nhà nước nên được gia cường, theo hướng mạnh hơn, phạt nặng hơn việc tạo, gieo rắc và lan truyền tin giả.
TS. Lê Ngọc Sơn cho rằng các trường học từ bậc tiểu học, cần dạy cho trẻ nhỏ môn truyền thông. Từ cách ứng xử văn minh trên không gian mạng, cách phân biệt tin giả, tin thật, cách tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng, hiểu về các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân khi tham gia vào các diễn ngôn và không gian diễn ngôn online.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-lat-tau-vinh-xanh-58-vat-lon-voi-tin-gia-post1763887.tpo