Chuyên gia IMF ít dự báo được các cơn suy thoái kinh tế
Có hàng trăm cơn suy thoái kinh tế ở nhiều nước trên thế giới trong ba thập niên qua nhưng những chuyên gia kinh tế hàng đầu ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM) chỉ đoán đúng chính xác được vài lần.
Các cuộc tranh luận của các chuyên gia kinh tế về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang dậy sóng vì hôm 22-3, thị tường trái phiếu Mỹ phát đi tín hiệu cảnh báo suy thoái khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ giảm về dưới mức lãi suất của trái phiếu kỳ hạn ba tháng, khiến đường cong lãi suất, do chênh lệch lãi suất giữa hai trái phiếu này, chúi xuống về mức âm.
Thông thường khi nền kinh tế vững mạnh, các trái phiếu ngắn hạn có lãi suất thấp và các trái phiếu dài hạn có lãi suất cao hơn do trái chủ chấp nhận rủi ro lớn hơn vì giữ trái phiếu trong thời gian dài. Lúc đó, đường cong lãi suất giữa chúng sẽ hướng lên cao.
Ngược lại, nếu đường con lãi suất đi ngang và hướng xuống mức âm, điều này có thể phản ánh sự giảm sút lòng tin vào hoạt động của nền kinh tế trong dài hạn. Lịch sử cho thấy cứ trước mỗi đợt suy thoái của kinh tế Mỹ trong 60 năm qua, đường cong lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ đảo chiều, tức lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lãi suất trái phiếu dài hạn.
Khi các nỗi lo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang phủ bóng lên các thị trường tài chính và hành lang của các ngân hàng trung ương. Các kiểm chứng từ quá khứ cho thấy những chuyên gia kinh tế có thành tích quá nghèo nàn trong việc dự báo điểm đảo chiều tăng trưởng kinh tế. Họ thường không dự báo được phần lớn cơn suy thoái hoặc dự báo các cơn suy thoái không bao giờ xảy ra trong thực tế sau đó.
Minh chứng gần đây và rõ nhất là hầu hết các chuyên gia kinh tế đều không dự báo được Đại suy thoái của Mỹ bắt đầu diễn ra từ tháng 12-2007, 9 tháng trước khi Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) nộp đơn xin phá sản.
Hồi tháng 2, Andrew Bridgen, nhà kinh tế trưởng ở Công ty tư vấn Fathom Consulting, có trụ sở ở London, chỉ ra rằng trong số 469 cơn suy thoái ở 194 nền kinh tế trên toàn cầu kể từ năm 1988, các chuyên gia kinh tế ở IMF chỉ dự báo đúng 111 cơn suy thoái, chưa đến 25% các cơn suy thoái diễn ra trên thực tế.
Các chuyên gia kinh tế IMF có thể tự hào vì dự báo chính xác các cơn suy thoái ở các nước như Guinea Xích Đạo (một quốc gia ở Tây Phi), Papua New Guinea và Nauru. Tuy nhiên họ không dự báo được chính xác phần lớn các cơn suy thoái.
Ông Bridgen nói: “Kể từ năm 1988, IMF chưa bao giờ dự báo được bất kỳ cơn suy thoái ở một nền kinh tế phát triển trước lúc nó diễn ra vài tháng”.
Các chuyên gia kinh tế IMF cho rằng họ không phải là những người duy nhất không dự báo được các cơn suy thoái kinh tế. Một nghiên cứu gần đây của ba nhà kinh tế ở bộ phận nghiên cứu của IMF gồm Zidong An, Joao Tovar Jalles và Prakash Loungani phát hiện ra rằng trong số 153 cơn suy thoái ở 63 nước trong giai đoạn 1992-2014, chỉ có 5 cơn suy thoái được dự báo chính xác với sự đồng thuận cao của các nhà kinh tế ở khu vực tư nhân vào tháng 4 của năm trước khi cơn suy thoái diễn ra.
Giờ đây, các yếu kém trong dự báo của các chuyên gia kinh tế được chú ý một lần nữa khi nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm. Tăng trưởng ở Trung Quốc tiếp tục chững lại, trong khi đó, tăng trưởng ở châu Âu rất mong manh. Ý đã bước vào suy thoái, còn Đức và Pháp đang có nguy cơ suy thoái.
Một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia Mỹ (NABE) cho thấy 42% thành viên của NABE dự báo suy thoái kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu diễn vào năm 2020; 10% dự báo suy thoái diễn ra trong năm nay và 25% nói rằng suy thoái sẽ xuất hiện trong năm 2021.
Vậy điều gì khiến các chuyên gia kinh tế không dự báo được hầu hết các cơn suy thoái kinh tế?
Theo hai biên tập viên kinh tế của Bloomberg Simon Kennedy và Peter Coy, dự báo kinh tế là một công việc cực kỳ khó. Dữ liệu về các nền kinh tế thường không đầy đủ và xuất hiện trễ. Hơn nữa, những cú đảo chiều về tăng trưởng kinh tế thường xảy ra đột ngột. Một số cơn suy thoái xảy ra do những cú sốc của thị trường tài chính, chẳng hạn tâm lý hoảng sợ trên các thị trường chứng khoán, vốn xuất hiện bất thình lình và không thể dự báo.
Prakash Loungani, nhà kinh tế làm việc ở IMF, cho rằng việc thiếu các khích lệ tài chính cũng có thể phần nào dẫn đến các chuyên gia kinh tế đưa ra các dự báo không chính xác. Không giống như các giám đốc quản lý danh mục đầu tư ở các quỹ đầu tư, các chuyên gia kinh tế ở các tổ chức như IMF không kiếm được khoản bổng lộc tài chính nào nếu họ dự báo chính xác các cơn suy thoái. Ngoài ra, nếu không dự báo được các cơn suy thoái, họ cũng hiếm khi bị mất việc.
Lê Linh