Chuyên gia Indonesia đưa ra khuyến nghị trước xu hướng mua vàng bất chấp giá cả
Giảng viên và nhà nghiên cứu tại Đại học Hồi giáo Indonesia (UII) Listya Endang Artiani coi xu hướng mua vàng tràn lan hiện nay, bất chấp giá cả leo thang, là một chỉ báo kinh tế bất thường, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để giải quyết hiện tượng này.
Theo nhà nghiên cứu Listya Endang Artiani, cần diễn giải những tín hiệu thị trường vàng không chỉ là một triệu chứng kinh tế đơn lẻ, còn cho thấy những kỳ vọng tiêu cực tiềm ẩn đối với quỹ đạo kinh tế của Indonesia. Hiện tượng tích trữ vàng cũng phản ánh sự ngờ vực ngày càng tăng đối với các chính sách tiền tệ và tài khóa hiện hành. Xu hướng mua vàng ngay cả khi giá đang tăng cao có thể được hiểu là một nỗ lực của người dân nhằm bảo vệ giá trị (lưu trữ giá trị).
Hiện tượng kinh tế này xảy ra khi tình trạng hỗn loạn toàn cầu và bất ổn kinh tế gia tăng, được coi là mối đe dọa đối với nền kinh tế Indonesia, gia tăng. Các cá nhân đang tích lũy vàng để cố gắng chuyển tài sản sang kim loại quý này, vì vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn hoặc công cụ tiết kiệm có khả năng bảo toàn giá trị trong thời gian chịu áp lực hệ thống lên thị trường tài chính.

Trung tâm vàng tại Jakarta
Chuyên gia nghiên cứu tài chính đưa ra một số khuyến nghị để giải quyết hiện tượng này. Trước hết đó là cải thiện chính sách truyền thông tiền tệ. Ngân hàng Indonesia cần tối ưu hóa việc sử dụng các công cụ truyền thông chính sách, để nêu rõ quỹ đạo dự kiến của các chính sách tiền tệ và các biện pháp đang được thực hiện để giải quyết lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Điều này sẽ giúp người dân và các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về định hướng chính sách kinh tế của quốc gia, làm giảm sự phụ thuộc vào vàng như một kho lưu trữ giá trị thay thế chính.
Thứ hai là đa dạng hóa các công cụ đầu tư cạnh tranh và toàn diện. Chính phủ cần cung cấp một loạt các công cụ đầu tư đa dạng và cạnh tranh hơn cho người dân như trái phiếu chính phủ bán lẻ (ORI), cũng như các sản phẩm đầu tư dựa trên trái phiếu xanh và đầu tư cho các dự án phát triển bền vững. Những công cụ này không chỉ mang lại lợi nhuận hấp dẫn mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế rộng lớn hơn.
Thứ ba là cải thiện kiến thức tài chính và giáo dục đầu tư. Theo bà Listya Endang Artiani, giáo dục về các khoản đầu tư thông minh và hiệu quả nên là ưu tiên hàng đầu của các tổ chức tài chính và chính phủ. Người dân cần hiểu rõ hơn về rủi ro và lợi nhuận tiềm ẩn của nhiều công cụ đầu tư khác nhau. Kiến thức tài chính nâng cao sẽ trao quyền cho các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư hợp lý hơn, thay vì chỉ bị thúc đẩy bởi xu hướng thị trường.
Thứ tư là cần có các quy định và giám sát tài sản hiệu quả. Mặc dù vàng đóng vai trò là công cụ bảo vệ giá trị, nhưng cần phải có các quy định chặt chẽ hơn về giao dịch vàng, để tránh rủi ro làm giảm tính minh bạch của hệ thống tài chính.
Ngoài việc thúc đẩy các công cụ đầu tư không phải vàng, việc tăng cường thị trường vốn của Indonesia nên là chính sách ưu tiên dài hạn. Chính phủ và các cơ quan thị trường vốn cần đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển một thị trường chứng khoán toàn diện hơn. Nơi các nhà đầu tư có thể tiếp cận nhiều sản phẩm tài chính an toàn và có lợi nhuận, từ đó có thể giảm sự phụ thuộc vào kim loại quý như một giải pháp thay thế đầu tư chính.
Trong khi vàng đóng vai trò quan trọng như một công cụ bảo vệ giá trị trong thời kỳ bất ổn, quyết định đầu tư vào vàng phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn, nơi các công cụ đầu tư hiệu quả khác cũng có thể đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.