Chuyên gia Indonesia: Luật hải cảnh của Trung Quốc làm gián đoạn đàm phán COC
Trước việc Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển nước này bắn vào tàu nước ngoài nếu cần thiết, các chuyên gia Indonesia đã lên tiếng phản đối.
Trưởng khoa Luật, Đại học Pancasila của Indonesia, Giáo sư Eddy Pratomo, cho rằng việc Trung Quốc đưa ra Luật hải cảnh quy định việc sử dụng vũ lực, có khả năng gây ra căng thẳng ở Biển Đông. Ông cho rằng các quy định trong luật mới của Trung Quốc được áp dụng trong phạm vi rất rộng và điều chỉnh lãnh hải của Biển Đông mà không dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Giáo sư Eddy Pratomo nhận định, Luật hải cảnh Trung Quốc đã ngầm khẳng định lại những tuyên bố của nước này liên quan đến “đường 9 đoạn” đã bị Tòa trọng tài bác bỏ năm 2016. Theo ông, Luật hải cảnh của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và các quốc gia, trong đó có Indonesia, cần lên tiếng phản đối đạo luật này.
Cùng ý kiến, Giáo sư Luật Quốc tế tại Đại học Indonesia (UI) Hikmahanto Juwana nhấn mạnh, Indonesia có nghĩa vụ phải lên án việc ban hành đạo luật này bởi ba lý do. Thứ nhất, Indonesia đã nhiều lần khẳng định nước này không có “tuyên bố chủ quyền chồng chéo” với Trung Quốc trên Biển Đông nhưng Trung Quốc thường xuyên có các hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước này. Trong thời gian vừa qua, các tàu hải quân Indonesia thường xuyên phải giáp mặt với tàu tuần duyên Trung Quốc khi hộ tống cho các tàu cá nước này thực hiện các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng biển Bắc Natuna. Nếu luật vừa được ban hành của chính phủ Trung Quốc được lực lượng tuần duyên Trung Quốc sử dụng, điều này có thể dẫn đến việc sử dụng vũ lực ở vùng biển này.
Thứ hai, luật này không chỉ được thực thi trong các khu vực có chủ quyền mà còn ở các khu vực có quyền chủ quyền, như vậy, thông qua yêu sách "đường 9 đoạn", lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc sẽ áp dụng đạo luật khi đối phó với tàu của các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông như Việt Nam, Malaysia và Philippines. Cuối cùng, theo Giáo sư Hikmahanto, Biển Đông sẽ trở thành trục sử dụng vũ lực giữa các nước lớn. Mỹ và các đồng minh chắc chắn sẽ không cho phép lực lượng tuần duyên Trung Quốc sử dụng vũ lực, đặc biệt là trong các tuyến hàng hải quốc tế. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng chiến tranh lạnh ở Biển Đông chuyển thành chiến tranh nóng.
Trước đó, trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và ổn định trên Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982./.