Chuyên gia: Joe Biden sẽ tiếp tục nhiều chính sách của Trump trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương
Sau khi Nhà Trắng hôm 12/1 giải mật sớm một tài liệu an ninh quốc gia về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, chuyên gia phân tích động thái này nhằm buộc chính phủ Biden phải tiếp tục chiến lược này nhiều hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng phân tích rằng chính sách Châu Á - Thái Bình Dương của ông Biden sẽ không quá khác biệt so với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông Trump.
Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 15/1, dù chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là rời nhiệm sở nhưng thời gian gần đây, chính quyền Donald Trump thường xuyên có những động thái bất ngờ trong chính sách của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 9/1 tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế trao đổi giữa Đài Loan và Mỹ, Nhà Trắng ngày 12/1 cũng đã giải mật trước hàng thập kỷ một tài liệu an ninh quốc gia liên quan đến khuôn khổ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ được xây dựng vào năm 2018.
Một số chuyên gia cho rằng việc chính quyền Trump giải mật các tài liệu an ninh quốc gia trước khi rời nhiệm sở là để cho phép chính quyền Biden tiếp tục ở một mức độ nào đó chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương được xây dựng dưới thời chính quyền Trump. Ông Kharis Templeman, người chủ trì Sáng kiến An ninh Châu Á Thái Bình Dương tại Viện Hoover của Đại học Stanford, nói với Deutsche Welle rằng nếu chính quyền Biden muốn từ bỏ một phần của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương trong tương lai, họ sẽ buộc phải đưa ra các quyết định phù hợp với tiền đề công chúng đã quen thuộc với nội dung của chiến lược. .
Ông Kharis Templeman: Hiện nay hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đạt được sự nhất trí coi Trung Quốc là một đối thủ tiềm tàng và có thể gây ra mối đe dọa đối với lợi ích toàn cầu của Mỹ (Ảnh: newtalk.tw).
Ông nói: "Quyết định của Nhà Trắng vào ngày 12/1 tương đương với việc khiến chiến lược an ninh của chính quyền Biden ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bị trói buộc một chút. Sau khi họ tiết lộ nội dung đầy đủ của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, nếu chính quyền Biden trong tương lai muốn từ bỏ một phần của chiến lược thì phải tính đến các tác động chính trị của các quyết định có liên quan".
Đánh giá về tài liệu an ninh quốc gia chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương được giải mật vào ngày 12/1, Kharis Templeman cho rằng chính sách châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Trump trong bốn năm qua về bản chất đã thay đổi cách các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhìn nhận vấn đề Trung Quốc. Ông nói: "Hiện nay hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đạt được sự nhất trí về cách định vị Trung Quốc, tức là coi Trung Quốc là một đối thủ tiềm tàng và có thể gây ra mối đe dọa đối với lợi ích toàn cầu của Mỹ. Tôi cho rằng sau khi Joe Biden nhậm chức, giới chính trị Mỹ sẽ tiếp tục tư duy này”.
Tuy nhiên, Kharis Templeman cũng đề cập rằng mặc dù chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do chính quyền Donald Trump xây dựng là một tài liệu quan trọng và nhất quán, nhưng do những cân nhắc của bản thân ông Trump thường khác với các quyết định của nhóm an ninh quốc gia của ông, dẫn đến nhóm nghiên cứu an ninh quốc gia của ông thường phải tìm cách "cầm máu" cho Trump sau khi ông gây ra các vấn đề ngoại giao.
Ông Templeman nói với Deutsche Welle: “Một trong những ví dụ điển hình là khi nhóm chính phủ của Trump định tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Trump đã tweet rằng một số đồng minh nên trả nhiều tiền hơn cho quân đội Mỹ đóng ở địa phương. Ngoài ra, ông cũng nói rằng các đồng minh luôn lợi dụng nước Mỹ. Hành động này của ông Trump đã hoàn toàn trái ngược với mục tiêu của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Tuy nhiên, Kharis Templeman cho rằng nhiều chỉ tiêu trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương phù hợp với các mục tiêu mà ông Biden hy vọng đạt được sau khi nhậm chức, vì vậy ông kỳ vọng rằng chính sách châu Á - Thái Bình Dương của ông Biden sau khi nhậm chức không quá khác biệt so với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông Trump.
Trong chiến lược của Mỹ, Chuỗi đảo Thứ nhất có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc (Ảnh: wiki).
Tầm quan trọng của Chuỗi đảo Thứ nhất
Trong các tài liệu an ninh quốc gia được giải mật vào ngày 12/1, Mỹ đặc biệt đề cập đến việc ngăn chặn Trung Quốc chiếm ưu thế trên không và trên biển ở Chuỗi đảo Thứ nhất (First Island Chain), cũng như bảo vệ an ninh của các đồng minh trong đó có Đài Loan. Kharis Templeman chỉ ra rằng nếu Mỹ có thể xác định rằng Chuỗi đảo Thứ nhất do các đồng minh của họ kiểm soát, thì họ có thể ngăn cản Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự ra Tây Thái Bình Dương. Ông nói với Deutsche Welle: "Nếu Đài Loan không nằm dưới sự khống chế của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ rất khó mở rộng sức mạnh quân sự ra bên ngoài".
Kharis Templeman giải thích sở dĩ Đài Loan quan trọng đối với Mỹ vì nếu Trung Quốc thành công trong việc khống chế Đài Loan, họ sẽ gây ra mối đe dọa cho các đồng minh khác của Mỹ thuộc Chuỗi đảo Thứ nhất. Ông nói: "Lấy Nhật Bản làm ví dụ. Nếu Trung Quốc thành công trong việc chiếm Đài Loan, thì Trung Quốc sẽ gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Nhật Bản. Mặc dù Đài Loan có thể không quá quan trọng về ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ, nhưng khi Trung Quốc gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các đồng minh của Mỹ, Mỹ vẫn cần phải can thiệp”.
Ông Biden được cho là sẽ đặt ra chức Điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh Quốc gia và trao cho ông Kurt Campbell giữ chức vụ quan trọng này (Ảnh: Getty).
Ông Biden lập ra một chức vụ chuyên trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
Đồng thời, nhiều cơ quan truyền thông đã đưa tin rộng rãi rằng ông Joe Biden, người nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tuần tới, sẽ tạo ra một chức vị mới là "Điều phối viên khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương" trong Hội đồng An ninh Quốc gia và bổ nhiệm cựu Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell thời chính quyền của Obama đảm nhận vị trí này.
Washington Post dẫn các nguồn tin trong Nhà Trắng chỉ ra rằng vị trí mới của Kurt Campbell sẽ cao hơn Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia và sẽ có quyền hạn quản lý sâu rộng hơn. Có tin đồn rằng Kurt Campbell sẽ chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến châu Á và Trung Quốc. Ông Kharis Templeman cho biết trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama, ông Kurt Campbell chịu trách nhiệm về các vấn đề châu Á tại Bộ Ngoại giao nên có uy tín lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, ông cũng thông thạo các công việc liên quan đến Trung Quốc.
Kharis Templeman nói với Deutsche Welle: “Kurt Campbell là một người thực dụng nổi tiếng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Ông ấy cũng đã từng làm việc với nhiều đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên có uy tín tốt ở khu vực này".
Kharis Templeman cũng nói rằng việc ông Biden đặt ra vị trí mới này trong Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ cho phép Campbell thu hút thêm nhiều nhân tài có quan điểm tương tự về các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương gia nhập nhóm của ông Biden. Ông phân tích: "Điều này có thể có nghĩa là trong nhóm chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông Biden sẽ có một nhóm chuyên gia hiểu rõ những thách thức khác nhau trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Những chuyên gia này sẽ hiểu những tài sản và điểm yếu quan trọng của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và sử dụng phương pháp thực dụng để phát huy tối đa lợi thế của Mỹ”.