Chuyên gia khẳng định nền kinh tế Mỹ trên đà phát triển
Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động hiệu quả hơn so với các quốc gia G7 khác.
Đầu năm này, Tổng thống Joe Biden cho biết nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ sau khi trải qua giai đoạn khó khăn.
“Chúng ta cần phải chờ thêm thời gian, người dân Mỹ đang bắt đầu cảm nhận được những tín hiệu tích cực” - ông nói trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào tháng 3.
Bất chấp những nhận định lạc quan từ nhà lãnh đạo này, nhiều người dân cảm thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo cuộc thăm dò gần đây của Newsweek , 46% người Mỹ tin rằng nền kinh tế đang hoạt động kém hiệu quả so với thời điểm vào tháng 1/2021, khi ông Trump rời Nhà Trắng, trong khi chỉ có 33% khẳng định nền kinh tế đã được cải thiện.
Dù vậy, các chuyên gia nhân định nền kinh tế Mỹ vẫn đang đi đúng hướng. Những nhà phân tích thường dựa vào dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để đưa ra nhận định về sức khỏe của nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, GDP của Mỹ trong quý 2/2024 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023. Kể từ quý 3/2022, GDP quốc gia đã tăng đều đặn. Các nhà kinh tế khẳng định điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ đã liên tục tiến triển, bất chấp lo ngại của nhiều người.
Theo Cục Phân tích Kinh tế, vào tháng 6/2024, thu nhập cá nhân khả dụng (DPI) - thu nhập trừ đi thuế cá nhân - tăng 37,7 tỷ USD (tương đương 0,2%) so với cùng kỳ năm 2023.
Không những vậy, nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế hoạt động tốt hơn so với các quốc gia G7 khác. Trong khi tất cả các quốc gia G7 đều phải vật lộn với lạm phát cao sau đại dịch Covid-19, Mỹ vẫn đạt được tăng trưởng nhờ thị trường lao động được cải thiện.
"Sự thay đổi lớn trên thị trường lao động, chủ yếu bắt nguồn từ Covid-19, trong giai đoạn 2020- 2021 đã mang đến những tác động ngoài ý muốn khi giúp hàng triệu người lao động vô tình có những công việc tốt hơn " - Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói với Axios.
Ông nói thêm: "Chúng ta đang tiếp tục gặt hái những thành công kể từ thời điểm đó, chẳng hạn như:, tăng trưởng tiền lương và cải thiện năng suất. Điều này khác hoàn toàn so với châu Âu và Nhật Bản khi mà người lao động những nơi này vẫn gặp nhiều khó khăn kể từ sau đại dịch".
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 2,1%/năm cho đến năm 2029. Mức tăng GDP này cao hơn các quốc gia G7 khác như: Canada (mức tăng 1,7%/năm), Vương quốc Anh (1,4%/năm), Pháp (1,3%/năm), Ý (0,8%/năm), Đức (0,7%/năm) và Nhật Bản(0,4%/năm) trong cùng thời kỳ.
Lý giải về việc tại sao nhiều người dân Mỹ thiếu lạc quan đối với triển vọng nền kinh tế, John Min, nhà kinh tế trưởng tại Monex USA, lập luận những nhóm người này vẫn đang chịu ảnh hưởng từ lạm phát dai dẳng trong thời gian dài.
“Ảnh hưởng từ lạm phát sẽ được cảm nhận khác nhau tùy thuộc vào đối tượng. Những hộ gia đình thu nhập cao, nắm giữ nhiều bất động sản và cổ phiếu, sẽ ít chịu ảnh hưởng, trong khi nhóm thu nhập thấp sẽ phải tiếp tục vật lộn trong thời gian dài” – chuyên gia này cho biết.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-khang-dinh-nen-kinh-te-my-tren-da-phat-trien.html