Chuyên gia khí tượng: Hà Tĩnh xuất hiện mưa lớn so với lịch sử quan trắc trước đây

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có những chia sẻ về các hiện tượng thời tiết cực đoan vừa xảy ra trong tháng 5.

 Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trả lời phỏng vấn sáng 27/5. Ảnh: Trung Nguyên.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trả lời phỏng vấn sáng 27/5. Ảnh: Trung Nguyên.

Hà Nội từng có những ngày tháng 5 lạnh hơn năm nay

Những ngày qua, không khí lạnh đã và đang tác động đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trời chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm, vùng núi cao có nơi xuống dưới 20 độ C. Riêng tại thủ đô Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất ngày ghi nhận được vào ngày 25/5 là 20,6 độ C.

Thực tế, mức nhiệt độ này trong tháng 5 không phải hiếm gặp và vẫn cao hơn mức nhiệt độ thấp nhất ngày từng ghi nhận là 16,5 độ C vào tháng 5/1981. Gần đây nhất, năm 2017, Hà Nội cũng từng ghi nhận mức nhiệt thấp nhất tháng 5 là 20,8 độ C.

Mưa đặc biệt lớn dù chưa phải cao điểm mùa mưa

Trong 5 tháng đầu năm 2025, đặc biệt từ đầu tháng 5/2025, Bắc Bộ dù chưa vào giai đoạn cao điểm mùa mưa nhưng đã xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa cường suất lớn. Trong đó, đợt mưa lớn giữa tháng 5 và từ đêm 22-26/5 vừa qua tại các tỉnh phía Đông Bắc, Việt Bắc, nhất là tại Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Yên Bái, Quảng Ninh và Hà Tĩnh... gây thiệt hại nặng nề.

 Mưa lũ bất thường gây thiệt hại cho bà con nông dân Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Mưa lũ bất thường gây thiệt hại cho bà con nông dân Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Thời kỳ cao điểm của mùa mưa năm 2025:

Bắc Bộ khoảng giữa tháng 6 đến tháng 9.

Trung Bộ khoảng tháng 9 đến tháng 11, riêng Nam Trung Bộ khoảng tháng 10-- 12.

Tây Nguyên, Nam Bộ hiện đang trong mùa mưa cao điểm và sẽ kéo dài đến tháng 8.

Gần đây nhất, trong khi hầu khắp các địa phương đều giảm mưa, riêng Hà Tĩnh xuất hiện mưa lớn so với lịch sử quan trắc trước đây. Lượng mưa ghi nhận trong 1 giờ đồng hồ lên tới 172 mm – hầu như chưa từng xuất hiện trong chuỗi số liệu quan trắc của cơ quan KTTV, không riêng tháng 5 mà suốt trong cả năm. Trên lưu vực sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) xuất hiện 1 đợt lũ lớn nhất cùng kỳ tháng 5 trong 30 năm qua.

Điều này cũng cho thấy thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra nhiều hơn trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu. Mưa lớn trong thời gian ngắn không chỉ mang tính chất cục bộ mà có thể xuất hiện ở nhiều khu vực.

Ví dụ, ở TP Hồ Chí Minh hôm 10/5 cũng đã xuất hiện mưa trên 127 mm trong vòng 1 giờ - một điều hiếm gặp tại đây. Những năm gần đây, mưa cực đoan xuất hiện nhiều nơi như ở Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên Giang. Thậm chí vùng núi như Hà Giang, Sơn La trước đây ít khi ngập nhưng nay lại thường xuyên hơn do dễ xảy ra khi mưa cường suất lớn.

Các báo cáo nghiên cứu quốc tế hiện nay đều đánh giá, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính làm tăng tính bất thường, bất ổn định của thời tiết. Do nhiệt độ khí quyển ngày càng nóng lên dẫn đến thay đổi các hệ thống thời tiết, hoàn lưu khí quyển ở những quy mô không gian khác nhau.

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã chỉ ra, khi nhiệt độ tăng lên 1 độ C, hàm lượng hơi nước tích trữ trong khí quyển nhiều hơn. Đây là điều kiện bất lợi, làm tăng khả năng xuất hiện các trận mưa dông, mưa lớn, bất thường hơn so với trước đây.

Xu thế thời tiết, thiên tai những tháng còn lại năm 2025

Thời điểm hiện tại khó có thể dự báo xa toàn bộ thiên tai cho cả mùa. Với dữ liệu quan trắc hiện nay, có thể nhận định, các hình thái thời tiết, khí hậu cực đoạn trong năm 2025 sẽ chịu chi phối chính từ hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính.

Ở ENSO trung tính, tính chất cực đoan sẽ không quá nhiều như những năm El Nino hay La Nina, thể hiện ở số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và tác động đến Việt Nam ở mức trung bình (khoảng 11-13 cơn hoạt động trên biển đông và 5-6 cơn tác động trực tiếp đến đất liền Việt Nam). Trước đó, cơn áp thấp nhiệt đới đầu tiên của năm 2025 đã xuất hiện vào ngày 12/2 trên biển Đông nhưng không ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

"Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh, xác suất xuất hiện khí hậu ở mức trung bình này khoảng 80%. Còn lại 20% là khả năng vẫn có thể xuất hiện những hình thái thời tiết cực đoan như những năm El Nino/La Nina mạnh. Minh chứng chính là những đợt mưa lớn cực đoan tại Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh vừa qua", ông Mai Văn Khiêm nói.

Trước mắt, dự báo từ chiều và đêm mai 28/5 đến ngày 29/5, khu vực Bắc Bộ và tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xuất hiện một đợt mưa lớn nữa. Các địa phương cần theo dõi các thông tin dự báo để chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời với những nguy cơ có thể xảy ra như sạt lở, lũ quét ở vùng đồi núi, ngập lụt khu vực thấp trũng, đô thị.

Nhìn chung, các đợt mưa vừa, mưa to có khả năng xuất hiện và tập trung nhiều trong thời kỳ từ tháng 6-8/2025 ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Từ tháng 9/2025 đến cuối năm, các đợt mưa vừa, mưa to có xu hướng gia tăng ở khu vực Trung Bộ.

Từ tháng 6/2025, nắng nóng suy giảm tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ còn duy trì đến khoảng tháng 8, từ tháng 9/2025 nắng nóng suy giảm dần, cường độ nắng nóng tương đương với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.

Từ tháng 6-12/2025, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN; riêng tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ tháng 6/2025 cao hơn 0,5-1 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.

Lượng mưa từ tháng 6-12/2025 phổ biến ở mức tương đương so với TBNN, riêng tháng 6/2025 tại khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận có lượng mưa phổ biến cao hơn từ 5-20% so với TBNN cùng thời kỳ.

Trong mùa lũ năm 2025, mực nước đỉnh lũ trên các sông chính ở khu vực Bắc Bộ ở mức báo động (BĐ)1 đến BĐ2, các sông suối nhỏ ở mức BĐ2- BĐ3, phổ biến thấp hơn năm 2024 và thấp hơn TBNN. Các đợt lũ phổ biến xuất hiện vào thời kỳ tháng 7-9/2025. Dòng chảy trên các sông và các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng trong mùa lũ ở mức thiếu hụt so với TBNN khoảng 15-30%.

Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên: Đỉnh lũ năm 2025 ở hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) ở mức BĐ1-BĐ2; hạ lưu các sông chính từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3; các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận ở mức trên BĐ2. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.

Khu vực Nam Bộ: Dự báo mùa lũ 2025 trên sông Mê Công xuất hiện tương đương TBNN. Đỉnh lũ năm 2025 ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở mức BĐ1; đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.

nongnghiepmoitruong.vn

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/chuyen-gia-khi-tuong-ha-tinh-xuat-hien-mua-lon-so-voi-lich-su-quan-trac-truoc-day-post288708.html