Chuyên gia khuyên nhà đầu tư không nên lướt sóng đất nền trong năm 2022 để tránh rủi ro
Các chuyên gia nhấn mạnh, nhà đầu tư bất động sản nói chung, đặc biệt là phân khúc đất nền không nên lướt sóng trong năm 2022 để tránh rủi ro. Bởi, đây là những khoản đầu tư trung và dài hạn.
Theo các chuyên gia, bất động sản nói chung và đất nền nói riêng vẫn là kênh đầu tư ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam.
Bất động sản vẫn là kênh đầu tư ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam
Bài liên quan
Đầu tư và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng sau dịch Covid 19
Cơ quan báo chí phải có sự độc lập, trung thực trong thông tin về thị trường bất động sản
Phân khúc kho bãi trong bất động sản công nghiệp "bật sáng" trong mùa dịch
Tập đoàn S&P tuyên bố gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande chính thức vỡ nợ
TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho biết, theo dự kiến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất, sau đó Quốc hội cũng sẽ thẩm tra liên quan đến chính sách tiền tệ. Trong đó, có một số chính sách sẽ tác động đến thị trường bất động sản.
Thứ nhất, dự kiến sẽ có chương trình hoặc gói cho vay mua nhà ở, khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng. Tương tự gói 30.000 tỷ đã từng tung ra hồi 2013 trong vòng 3 năm.
"Thứ hai là tiếp tục có gói cho vay đối với nhà ở xã hội, thỉnh thoảng Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất vào khoảng 4,8%/năm. Hiện nay, tôi biết có nhiều chủ đầu tư sẵn sàng tham gia vào kênh nhà ở xã hội, vì thấy nhu cầu còn lớn và nhiều tiềm năng. Tất nhiên, chúng ta phải giải quyết khá nhiều vấn đề liên quan đến chuyện này trong thời gian vừa qua liên quan đến pháp lý, việc dành 20% quỹ đất và các dịch vụ đi kèm…", ông Lực nêu.
Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho rằng, tất cả những yếu tố trên sẽ tác động tích cực đến bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở và đất nền.
Khi những chính sách khuyến khích nhà ở xã hội được thực thi, tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản sẽ giảm bớt
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam đánh giá, khi những chính sách khuyến khích nhà ở xã hội được thực thi, tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản sẽ giảm bớt.
"Bởi vì hiện nay, rất nhiều người mua bất động sản là đầu tư đầu cơ - tức là mua để bán lại. Trong khi nếu nhu cầu về nhà ở vừa túi tiền được đáp ứng thì nhu cầu đầu tư mua bán lại sẽ bớt rất nhiều. Từ đó, thị trường bất động sản sẽ có những phát triển ổn định, vững mạnh hơn so với giai đoạn 2008 - 2009", ông Hoàng phân tích.
Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam chỉ ra, trước năm 2018, trước và sau Tết thường có những cơn sốt đất. Song, 2 năm nay, tình trạng sốt đất trên diện rộng hoặc sốt đất thật sự đã hạn chế rất nhiều.
Cụ thể, đầu năm 2021, thị trường chứng kiến cơn sốt đất nhẹ xuất phát từ thông tin quy hoạch sân bay Hớn Quản (Bình Phước). Cách đây khoảng một tháng, tại TP. HCM trước thông tin huyện Bình Chánh được nâng cấp lên quận, cũng tạo hơn sốt nhẹ trong khoảng một tuần đến 10 ngày rồi lại nhanh chóng xẹp xuống.
"Tôi cho rằng đây là những cơn sốt ảo, còn cơn sốt thật rất khó diễn ra. Đất nền là nhu cầu thực và luôn là phân khúc ưu tiên của người đầu tư bất động sản, xuất phát từ nhiều nguyên nhân đặc thù", ông Hoàng nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ pháp lý, quy hoạch, hạ tầng - an ninh của bất động sản trước khi đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, môi trường sống và cảnh quan rất quan trọng. Một yếu tố là nữa chọn chủ đầu tư làm ăn nghiêm túc sẽ đỡ rủi ro hơn cho việc đầu tư.
"Thanh khoản bất động sản rất quan trọng, tiếp theo là đòn bẩy tài chính. Cuối cùng, đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng là khoản đầu tư trung và dài hạn, đầu tư lướt sóng sẽ rủi ro trong năm 2022", Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV lưu ý.