Chuyên gia kiến giải nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục cho Lào

Hội thảo khoa học 'Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục nước CHDC Nhân dân Lào và kinh nghiệm thực tiễn ở Việt Nam' diễn ra ngày 20/12.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo do Học viện Quản lý giáo dục (Việt Nam) phối hợp với Học viện Phát triển Quản lý giáo dục (Lào) tổ chức.

Thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Lào

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Văn Thuần – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhấn mạnh, sau nhiều năm hợp tác, 2 đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo về nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục.

Hội thảo mang ý nghĩa khởi nguồn cho giai đoạn mới trong hợp tác về giáo dục, đào tạo giữa hai đơn vị nói riêng và 2 quốc gia nói chung. Đây cũng là dịp để hai Học viện cùng nhìn lại những thành tựu đạt được trong quá trình hợp tác.

Trên cơ sở đó, tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền về các giải pháp hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; đặc biệt là về công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục giữa hai nước.

 PGS.TS Phạm Văn Thuần – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục phát biểu tại hội nghị.

PGS.TS Phạm Văn Thuần – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục phát biểu tại hội nghị.

Hợp tác về giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Lào ngày càng hiệu quả và bền chặt, ông Phankhavong Samlane – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào viện dẫn, gần đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT của Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao của Lào đã ký kết hợp tác về giáo dục.

Hai bên đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục và đào tạo - lĩnh vực có ý nghĩa chiến lược trong quan hệ song phương; đồng thời nhất trí tích cực phối hợp triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030; trong đó ưu tiên hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Học viện Quản lý giáo dục và Học viện Phát triển Quản lý giáo dục có đóng góp không nhỏ trong việc vun đắp mối quan hệ nêu trên và là cái nôi trong việc thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa hai nước, nhất là trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.

 ông Phankhavong Samlane – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào phát biểu tại hội thảo.

ông Phankhavong Samlane – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào phát biểu tại hội thảo.

Gợi mở cho nước bạn Lào

Trên cơ sở đó, tại hội thảo, các ý kiến tập trung thảo luận về đổi mới giáo dục ở Lào; thực trạng chương trình, nội dung bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở Lào; đổi mới giáo dục ở Việt Nam và kinh nghiệm thực tiễn…

Chia sẻ về kinh nghiệm bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục trao đổi, Học viện từng thực hiện thành công bồi dưỡng 4000 cán bộ quản lý cốt cán cơ sở giáo dục phổ thông. Ngoài ra, 7 trường sư phạm trọng điểm của Việt Nam đã tổ chức bồi dưỡng 28.000 giáo viên cốt cán trên toàn quốc.

Việc tổ chức bồi dưỡng được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với 9 mô-đun. Sau đó, cán bộ, giáo viên cốt cán hỗ trợ bồi dưỡng khoảng 76 nghìn cán bộ quản lý giáo dục và 800 nghìn giáo viên đại trà.

 PGS.TS Trần Hữu Hoan chia sẻ tại hội thảo.

PGS.TS Trần Hữu Hoan chia sẻ tại hội thảo.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, PGS.TS Trần Hữu Hoan đề xuất, Học viện Phát triển Quản lý giáo dục phối hợp cùng Học viện Quản lý giáo dục xây dựng “Nâng cao năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2025 – 2030”.

Việc xây dựng Đề án là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công công cuộc đổi mới giáo dục của Lào. Mục tiêu của Đề án là biên soạn tài liệu bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý giáo dục trường phổ thông của Lào, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông; đồng thời giám sát, đánh giá việc tổ chức bồi dưỡng trong khuôn khổ Đề án.

Liên quan đến tổ chức triển khai bồi dưỡng, PGS.TS Trần Hữu Hoan gợi ý 4 hoạt động gồm: tổ chức bồi dưỡng; thăm quan thực tế một số cơ sở giáo dục của Việt Nam; giám sát, đánh giá kết quả bồi dưỡng; tổng kết và rút kinh nghiệm.

Theo Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo, việc thực hiện Đề án có thể triển khai thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Biên soạn tài liệu bồi dưỡng; mua trang thiết bị, đồ dùng thiết yếu phục vụ giảng dạy, học tập và sinh hoạt của học viên. Giai đoạn 2: Tổ chức các lớp bồi dưỡng.

 Các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nước bạn Lào.

Các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nước bạn Lào.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia của 2 đơn vị đã có tham luận về: Đổi mới giáo dục ở Lào và yêu cầu đặt ra đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; thực trạng chương trình, nội dung bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục ở Lào; kết quả thực hiện Dự án tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục Lào và đội ngũ cốt cán của Học viện Phát triển quản lý giáo dục; kết quả đào tạo lưu học học sinh Lào tại Học viện Quản lý giáo dục.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-kien-giai-nang-cao-nang-luc-cho-can-bo-quan-ly-giao-duc-cho-lao-post712920.html