Chuyên gia kiến nghị 4 vấn đề để tự chủ đại học đi vào 'thực chất'
Giáo sư hầu hết các trường đại học nước ngoài có toàn quyền ký được thư mời, các thủ tục cho nghiên cứu sinh trong, ngoài nước đến học tại khoa, bộ môn.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Giáo sư Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thay mặt cho Câu lạc bộ các Chủ tịch Hội đồng trường trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam với 126 thành viên nói về vấn đề tự chủ đại học.
Theo đó, Giáo sư Trần Diệp Tuấn cho rằng, tự chủ đại học giúp phát huy tính năng động sáng tạo, tính cạnh tranh, nhân sự chất lượng cao của các trường đại học Việt Nam. Tuy nhiên, một số chính sách còn hạn chế về sự chồng chéo.
Câu lạc bộ các Chủ tịch Hội đồng trường mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm sát sao để tự chủ đại học đi vào thực chất, bắt nhịp xu thế giáo dục đại học khu vực và thế giới hiện nay.
Vậy làm sao để tự chủ đại học đi vào “thực chất”?
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương – Chủ tịch Hội đồng đại học, Bí thư đảng ủy Đại học Huế cho rằng: "Trước khi bàn về vấn đề thực chất trong tự chủ đại học sắp đến, tôi muốn điểm qua những thể chế và chính sách đã ban hành vừa qua”.
Theo đó, Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương nêu, có thể nói sau Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 (Luật 34), Nghị định 99/2019 hướng dẫn thực hiện Luật 34, việc tự chủ đại học đã bắt đầu có những chuyển biến rất tích cực từ nhận thức của các bên liên quan đến việc ban hành các văn bản cho đến việc triển khai, thực hiện ở các cơ sở đào tạo đại học.
Ngoài ra, có thể kể đến những văn bản quan trọng hướng đến tự chủ của các cơ sở đào tạo đại học đó là, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành rất sớm Thông tư 10 quy định khung về quy chế tổ chức và hoạt động của 3 đại học vùng để 3 đại học vùng chủ động việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động chi tiết và phù hợp với thực tế từng đại học mà không cứng nhắc như Thông tư 08 trước đó vào năm 2014. Đồng thời để kịp thời cho các đại học vùng phê duyệt quy chế tổ chức và hoạt động của các trường đại học thành viên, vì 3 đại học vùng hiện có số lượng trường đại học thành viên rất lớn gồm 24 trường đại học thành viên bên trong và các trường trực thuộc được thành lập sau Luật 34.
Đặc biệt, năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 3 Thông tư quy định về đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và Thông tư 17 về chuẩn chương trình đào tạo, tất cả các văn bản này để làm cơ sở cho các cơ sở đạo tạo đại học đủ khung pháp lý trong việc hoàn thiện các quy định về tự chủ trong hoạt động đào tạo, tuyển sinh của các nhà trường.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn và nhắc nhở việc thực thi Luật 34, Nghị định 99 để đảm thực thi tốt và đúng pháp luật về tự chủ trong công tác nhân sự, bổ nhiệm, công tác bảo đảm chất lượng, công khai, giải trình.
Tuy nhiên Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương đánh giá cao nhất là 3 Nghị định của Bộ Tài chính liên quan trực tiếp và có tác động rất lớn đến vấn đề tự chủ tài chính của các cở sở đào tạo đại học công lập giai đoạn 2022-2030, đó là Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về tự chủ của các cơ sở sự nghiệp công lập và mới nhất là Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về học phí giai đoạn 2022-2026.
“Ba Nghị định này cơ bản đã tham chiếu tốt Luật 34 để ban hành nên không có sự chồng chéo và gặp khó khăn lớn để thực hiện đối với các cơ sở đào tạo đại học. Như vậy có thể nói hệ thống các văn bản đã khá kịp thời để thực hiện tự chủ cho các cơ sở đào tạo đại học trong thời gian đến được mạnh mẽ hơn”, Chủ tịch Hội đồng đại học, Đại học Huế nhận định.
Nhưng để thực hiện tự chủ của các cơ sở đào tạo đại học đi vào thực chất, thật sự tạo nên đột phá mới và phù hợp với thông lệ quốc tế về đại học thì theo Phó giáo sư Huỳnh Văn Chương, giai đoạn đầu cần chú trọng 4 vấn đề. Cụ thể:
Thứ nhất, cần tập trung chỉ đạo, nâng cao nhận thức, hiểu rõ bản chất của vấn đề tự chủ đại học từ cấp lãnh đạo đến khoa, phòng và quan trọng nhất và đông đảo nhất, quyết định lớn nhất đến sự phát triển của đại học đó là đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trong Nhà trường.
Hiện nay việc phân cấp, phân quyền chỉ mới dừng lại phần lớn ở các vị trí lãnh đạo, đang mới bắt đầu dần dần chuyển từ tập quyền sang phân quyền rộng hơn và có giám sát, giải trình nhưng chưa tập trung các nội hàm tự chủ về giao quyền, trách nhiệm lớn hơn cho giảng viên, nhà khoa học trong trường đại học, nhất là đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ để họ tham gia quyết định nhiều vấn đề về học thuật và chuyên môn mà không nặng về hành chính hóa.
Và đội ngũ này cũng phải ra được những quyết định và chịu trách nhiệm với các bên liên quan để có đánh giá cụ thể sự đóng góp vào sự phát triển của bộ môn, khoa, nhà trường thật cụ thể nhất là lĩnh vực đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu, kết quả chuyển giao, phục vụ cộng đồng.
Ví dụ, giáo sư hầu hết các trường đại học nước ngoài có toàn quyền ký được thư mời, các thủ tục cho nghiên cứu sinh trong, ngoài nước đến học tại khoa, bộ môn và chữ ký có thể làm được visa, các thủ tục xuất nhập cảnh. Việc này chúng ta cũng cần suy nghĩ khi tiến tới tự chủ học thuật đến giảng viên, hay ngân sách khi tự chủ làm sao phân cấp và giao đến từng bộ môn, chương trình đào tạo để giáo sư, đúng đầu ngành có thể quyết định các hoạt động trong khuôn khổ ngành học.
Thứ hai, cần thực hiện tự chủ có lộ trình, có sơ kết, đánh giá từng nội dung tự chủ để có các quyết sách kịp thời và không bị vướng, hiệu ứng không tốt, nên ưu tiên bắt đầu mạnh hơn tại các cơ sở đào tạo ở vấn đề tự chủ về học thuật, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự, quản trị đại học, rồi mới thực thi về tự chủ tài chính trong điều kiện hiện nay, Nghị định 60 cũng có lộ trình cho tự chủ tài chính.
Quan trọng nhất là cần thực thi và triển khai nghiêm túc Luật 34, Nghị định 99, các Nghị quyết của Trung ương liên quan đến đào tạo đại học và tự chủ, đặc biệt Nghị quyết 19, nếu thực hiện tốt, đầy đủ các quy định hiện hành đã là một đột phá lớn trong tự chủ đại học, không nên bàn việc điều chỉnh, sửa đổi lúc này vì nhiều điểm rất tốt nhưng do nhiều vấn đề về nhận thức, cách hiểu mà chưa thực hiện được dẫn đến làm chậm những vấn đề tổng thể chung của tự chủ đại học.
Ví dụ về việc thực hiện Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường theo đúng quy định chỉ là một khâu trong tiến trình tự chủ đại học, là việc không quá khó, không mất nhiều thời gian và phải nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành có trường đại học nếu các cơ sở đào tạo chấp hành đúng Luật 34, Nghị định 99, các quy định của Đảng nhưng hiện vẫn còn nhiều cơ sở đào tạo chưa quyết tâm, rồi vấn đề thực thi nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường chưa thật tốt khiến cơ quan nhà nước chưa yên tâm giao nhiều quyền hơn và thực hiện quyền được đầy đủ đại diện sở hữu nhà nước và các bên liên quan. Việc này hoàn toàn do các cơ sở đào tạo quyết định nhất là quy chế tổ chức, hoạt động và quy chế tài chính phải đầy đủ, tường minh, phủ được hết các hoạt động Nhà trường.
Thứ ba, hiện nay vẫn còn sự chồng chéo của một số văn bản và cách hiểu khác nhau giữa một số Bộ, ngành liên quan đến các cơ sở đào tạo đại học dẫn tới khó khăn cho việc thực hiện tại các cơ sở đào tạo đại học nhưng theo lộ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ ngành liên quan nhất như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính có thể thống nhất để điều chỉnh cho phù hợp với Luật 34 và đặc thù viên chức của ngành giáo dục đại học, việc này sẽ tháo gỡ được nếu có sự quyết tâm cao của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo để dần dần đồng bộ hóa được hệ thống văn bản để thực hiện thống nhất.
Cuối cùng, cần nâng cao năng lực quản trị, quản lý, lựa chọn được đội ngũ quản lý năng động, có quyết tâm cao trong đổi mới, tự chủ tại các cơ sở đào tạo đại học sau khi thực hiện Luật 34 là rất quan trọng hiện nay, vì thực chất vẫn đang giai đoạn đầu của quá trình thực hiện tự chủ đại học, đâu đó tư duy quản trị, quản lý vẫn theo nếp cũ nên chưa phát huy hết nội lực, tận dụng hết vai trò của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, phát triển Nhà trường.
Bởi trong quá trình tự chủ đại học thì nguồn nội lực, nguồn lực đóng góp từ xã hội, các bên liên quan rất quan trọng, muốn thế cần kết nối, chia sẻ, giải trình, công khai để các bên liên quan hiểu, cùng đóng góp cả trị tuệ và các điều kiện khác xây dựng nhà trường phải được ưu tiên.